Huế 24h
Hội thảo "Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong phát triển du lịch"
14:23 | 12/10/2023

Sáng 12/10, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong phát triển du lịch", nhằm góp phần đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đồng thời đề xuất định hướng và giải pháp phát triển du lịch bền vững.

Hội thảo "Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong phát triển du lịch"
Đoàn chủ trì hội thảo

Đến dự hội thảo có ông Nguyễn Thành Nhân - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh, và đại diện các sở ban ngành liên quan.

Hội thảo "Phát huy giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong phát triển du lịch" nhận được 25 bài tham luận từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu là hội viên Hội Văn nghệ dân gian tỉnh và những người trực tiếp làm du lịch ở Thừa Thiên Huế, tập trung vào 2 chủ đề chính: Một số giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Một số giải pháp phát triển du lịch vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.


Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế - phát biểu tại hội thảo

Các bài tham luận đã tập trung về việc nghiên cứu, cung cấp thông tin về giá trị các loại hình văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đồng thời, một số tham luận cũng đã đề cập đến hoạt động du lịch vùng đầm phá hiện nay và đề xuất một số giải pháp để làm phong phú thêm những sản phẩm du lịch văn hóa nơi đây.

Ở chủ đề một số giá trị văn hóa dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, các bài viết đã đánh giá một cách khoa học về tiềm năng, thế mạnh của văn hoá dân gian vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; đề cập đến các giá trị văn hoá vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai như đặc điểm hình thành quá trình tụ cư lập làng, sinh kế truyền thống của cư dân ven biển và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; văn hoá văn nghệ dân gian cổ truyền...

NNC. Trần Đại Vinh đã cho chúng ta biết danh xưng của các tiểu vùng đầm phá xưa của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai qua tham luận “Nhận thức về đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trong lịch sử và định hướng khai phá du lịch hiện nay”. Trong tham luận này, tác giả đã gợi ý về việc xây dựng, tổ chức một số tour tuyến du lịch trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Thừa Thiên Huế - trình bày tham luận tại hội thảo

Tham luận “Di sản văn hóa phi vật thể của cư dân vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với định hướng phát triển bền vững” của TS. Nguyễn Thị Hoài Phúc; tham luận “Lễ hội thu tế làng An Truyền (làng Chuồn) dấu ấn văn hóa cổ truyền dân tộc” của tác giả Võ Quê đã nêu bật giá trị lễ hội và di sản văn hóa phi vật thể văn hóa dân gian của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và những đề xuất về bảo tồn và phát huy. Tham luận “Rú Chá - thiên đường của chốn trần gian” của tác giả Hoàng Thị Như Huy đã cho chúng ta những cảm nhận đẹp trong vai những du khách đến với vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
 
NNC. Trần Hoàng đã khẳng định trong tham luận “Phát huy hơn nữa các thành tựu, các giá trị văn hóa cổ truyền vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai”: đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng đất không chỉ giàu đẹp về cảnh vật, về hoạt động kinh tế mà còn là vùng đất rất giàu về truyền thống văn hóa, có sức hấp dẫn du khách. Tác giả đề xuất cần khôi phục và tạo dựng những giá trị văn hóa dân gian ở vùng này như các lễ hội văn hóa dân gian, điệu hò kéo lưới, sưu tầm tục ngữ, ca dao, chuyện kể về đời sống và hoạt động của người dân. Đây là những nội dung cần thiết để cung cấp cho du khách hiểu biết thêm về đời sống văn hóa của người dân vùng đầm phá.
 

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giảm đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế - trình bày tham luận tại hội thảo

Các bài viết thuộc chủ đề giải pháp phát triển du lịch vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cũng đã tập trung phân tích thực tiễn, các thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và đề xuất giải pháp đổi mới quản lý; áp dụng các mô hình du lịch mới trong phục vụ phát triển du lịch dựa trên di sản văn hóa của vùng phá Tam Giang - Cầu Hai...

Tác giả Nguyễn Văn Phúc với góc nhìn từ nhà quản lý về du lịch, đã có những ý kiến xác đáng về các nguyên tắc tổ chức thực hành lễ hội văn hóa dân gian phục vụ du lịch qua tham luận: “Khai thác giá trị văn hóa dân gian để phát triển du lịch ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai”, tác giả cho rằng: sản phẩm du lịch văn hóa dân gian phải hướng về phát triển du lịch bền vững. Các sản phẩm phải đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, di sản văn hóa, quyền lợi của cộng đồng. Sản phẩm du lịch văn hóa dân gian kiên quyết chống hàng giả, hàng nhái. Vì thế, không đóng giả lễ hội, không làm giả các nghi lễ linh thiêng để thu hút khách dẫn đến tình trạng giải thiêng.

TS. Lê Anh Tuấn, với tham luận “Ấn tượng Lagoon: Ý tưởng về show diễn thực cảnh khai thác di sản văn hóa đầm phá phát triển du lịch”. Tác giả đã nêu vai trò của sân khấu thực cảnh trong phục vụ phát triển du lịch dựa trên di sản văn hóa của vùng Tam Giang - Cầu Hai có nhiều thuận lợi vì có không gian rộng rãi, quang cảnh phù hợp, có nhiều điểm để dựng sân khấu thực cảnh. Đương nhiên bên cạnh đó phải có nguồn nhân lực có tay nghề chuyên môn và có nguồn kinh phí phù hợp.


Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Qua hội thảo, những nội dung và giá trị di sản, các giải pháp đề xuất phát triển du lịch đã giúp các nhà quản lý, giới nghiên cứu làm rõ nhiều vấn đề, góp phần khai thác hiệu quả các giá trị và tiềm năng của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Góp phần vào thực hiện Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2030, cùng với toàn tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

 

 

Quỳnh Chi

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng