Huế 24h
Ấn tượng với đêm thơ nhạc "Hương sắc mùa xuân"
12:13 | 25/02/2024

Tối 24/2 (Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại không gian Phủ Nội Vụ, Đại Nội Huế, Ban Tổ chức Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Liên hiệp các Hội văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế đã phối hợp tổ chức chương trình Ngày hội Thơ Huế với chủ đề "Hương sắc mùa xuân" nhân Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22.

Ấn tượng với đêm thơ nhạc "Hương sắc mùa xuân"
Ca sĩ Thanh Lan và tốp múa thể hiện ca khúc "Mùa xuân nho nhỏ"
Tham dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cùng đông đảo khán giả, du khách.
 
Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân của Festival Huế 2024, diễn ra nhân ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 nhằm tôn vinh thơ ca và các thi sĩ trong đời sống văn hóa của đất nước.
 
Chương trình được dàn dựng công phu với cách kết hợp sân khấu thực cảnh hòa quyện cùng ánh sáng Đại Nội vào ban đêm, mang đến cho công chúng những khoảnh khắc sâu lắng về nội dung, ấn tượng về cảnh trí riêng có của Huế.
 

Hoạt cảnh bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Mở đầu chương trình, NSND Bạch Hạc đã diễn ngâm bài thơ "Nguyên tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với tái hiện hình ảnh Bác Hồ năm 1948 do nghệ sĩ Thế Tuệ thủ vai. Bài thơ đã nói lên cảm xúc và niềm vui dạt dào của Bác trước đêm Nguyên tiêu lịch sử. Đây là bài thơ duy nhất của Bác về Nguyên tiêu và cũng là một áng thơ tuyệt tác về "Trăng" mà Bác đã sáng tác bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt.
 

NSƯT Mai Lê diễn ngâm 3 bài thơ của vua Minh Mạng được khắc trên điện Thái Hòa (ảnh: Báo Văn hóa Online)
 
Tại chương trình, khán giả đã được thưởng thức ba bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt năm trong chùm Xuân sinh lục vịnh (6 bài vịnh mùa xuân đến) của vua Minh Mạng, khắc in trong quyển 10, Ngự chế thi sơ tập của vua Minh Mạng. Chùm thơ này cũng được viết trên nền pháp lam ở phần bờ mái sau điện Thái Hòa, nằm trong hệ thống thơ trên kiến trúc cung đình Huế - được công nhận Di sản ký ức thế giới năm 2016. Cùng với đó là các bài  thơ "Trùng Minh Viễn Chiếu" của vua Thiệu Trị,  "Ông Đồ" của Vũ Đình Liên, " Bài thơ Tết của mẹ tôi" của Nguyễn Bính, "Đồng dao mùa xuân" của Nguyễn Khoa Điềm, "Trong đôi mắt Huế" của Đông Hồ... Tất cả những bài thơ đã khắc họa được  thắng cảnh của Kinh đô Huế vào thời điểm bấy giờ,  những hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của vùng đất và con người xứ Huế từ hình ảnh của sông, núi, đền đài đến hình ảnh của cung tần, nàng Tôn nữ, là tiếng lòng của một trí thức Tây học trẻ tuổi khi nhìn về hiện thực Nho học bấy giờ đi đến hồi kết, là hình ảnh của người mẹ Việt Nam tảo tần, về mùa xuân chốn quê xưa...
 

Nghệ sĩ Kim Liên Ngâm bài thơ Ông Đồ và hoạt cảnh phiên chợ Tết xưa
 
Ngoài ra, công chúng còn thưởng thức các bài thơ mới của các nhà thơ Huế như bài thơ "Biệt Cung" của Hồ Đăng Thanh Ngọc, "Nhớ tuổi" của Phạm Nguyên Tường, "Khát Huế" của Lê Tấn Quỳnh, "Ngẫu hứng Huế" của Triệu Nguyên Phong... Các bài thơ được chuyển tải qua các hình thức diễn ngâm, trình diễn tiểu phẩm, sân khấu hóa... góp phần làm cho các tác thêm cảm xúc và mới lạ.
 
Những ca khúc "Mùa xuân nho nhỏ ", “Tình ca mùa xuân”, “Cung đàn mùa xuân”, “Mùa xuân đầu tiên”… cũng được vang lên trong không gian sâu lắng, cổ kính của Đại Nội Huế đã mang đến cho công chúng những cung bậc cảm xúc tuyệt diệu trong những đêm xuân đầu năm mới.
 

Đông đảo công chúng đã đến thưởng thức đêm thơ
 
 
 
Quỳnh Chi
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng