Khán giả được thưởng thức chương trình thơ đặc sắc trong không gian sân vườn của Phủ Nội Vụ
Tham dự có lãnh đạo Trung tâm BTDTCĐ Huế cùng các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, các nghệ sĩ và đông đảo công chúng yêu thơ.
Nguyễn Duy là một nhà thơ tài danh của nền thơ hiện đại Việt Nam và quen thuộc đối với nhiều thế hệ. Thơ của ông được đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường học, trong đó bài thơ “Tre Việt Nam” đạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn Nghệ năm 1973- một giải thơ danh giá của văn đàn Việt Nam bấy giờ.
Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ (sinh năm 1947), ông làm thơ từ lúc đang là học trò. Đến nay, ngoài 5 tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết, bút ký, kịch thơ, Nguyễn Duy đã có 16 tập thơ. Năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Nguyễn Duy chia sẻ tại đêm thơ
Điều đặc biệt là, với thơ, Nguyễn Duy đã dành một tình cảm tha thiết, chân thành cùng xứ Huế. Ông đã có 17 bài thơ viết về Huế, về con người và mảnh đất này qua những rung động, những ấn tượng day dứt và sâu lắng. Đó cũng là một trong những lý do khiến ông đã trở thành một “người bạn nghệ thuật” của Cố đô.
Mới đây, tập thơ viết về Huế có tựa đề “Thời gian đi xám mặt đỉnh đồng” được ấn hành. Đây là tập thơ thứ 17 của Nguyễn Duy.
Phó Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Nguyễn Phước Hải Trung cho rằng, với một tác giả, nơi không phải quê hương của mình mà có đến 17 bài thơ viết về vùng đất, con người ở đó là một số lượng tác phẩm khá lớn. "Trong dịp làm việc với nhà thơ Nguyễn Duy khi tổ chức Tuần lễ Thơ Thiền, chúng tôi đã cùng trao đổi và thống nhất với ông hai bên sẽ cùng tổ chức một đêm thơ "Nguyễn Duy với Huế" - để sự tương tác của ông với Huế, về Huế trở nên mạnh mẽ hơn", ông Trung nói.
Các tác phẩm thơ viết về Huế sớm nhất của Nguyễn Duy là vào năm 1976 với chùm “Gửi Huế” trong đó có hai bài “Nhớ bạn” và “Hỏi thăm”, viết về những kỷ niệm cùng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và họa sĩ Bửu Chỉ. Chùm thơ này được tuyển in lại trong nhiều tập sách về thơ Huế như “Dạ thưa xứ Huế”, “700 năm thơ Huế”. Thi phẩm "Nhớ bạn” được NSND Bạch Hạc trình bày đầy xao xuyến.
Tôi về xứ Huế mưa sa
em ơi Đồng Khánh (*) đã là ngày xưa
tôi về xứ Huế chiều mưa
em ơi áo trắng bây giờ ở đâu…
“Áo trắng má hồng” là một tình thơ đặc biệt của Nguyễn Duy trong tập thơ viết về Huế. Những ngây thơ vụng dại thuở cặp kê tự dưng ùa về theo ký ức, ngác ngơ, chơi vơi cùng kỷ niệm: "Bỗng dưng bạn ấy lấy chồng / Bỏ ta lại giữa mùa đông xám trời". Gặp lại hình bóng ngày xưa, mà day dứt rồi tha thiết níu giữ: "Áo trắng là áo trắng ơi / Cho ta xin lại dáng người ngày xưa"…
Các tác phẩm thơ của Nguyễn Duy được các nghệ sỹ chuyển tải qua hình thức diễn ngâm mang đến cho công chúng yêu thơ những cảm xúc sâu lắng
Tại chương trình, nhà thơ Nguyễn Duy chia sẻ rằng "duyên nợ" của ông với Huế đã có từ đêm thơ "Bắc - Nam sum họp" (tháng 10 năm 1975), khi ông có duyên gặp các văn nhân, thi sĩ của Huế như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ, Tô Nhuận Vỹ, Lê Khắc Cầm...Cả nhóm họp lại làm một cuộc thơ nhạc. Sau này trong lần quay lại Huế và ở lại nhà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, ông sáng tác bài thơ đầu tiên về Huế "Bầu trời, mặt đất, bàn tay" viết tặng thân mẫu nhạc sỹ. "Khi có dịp trở lại Huế, tôi đã viết chùm thơ gửi Huế trong đó có bài "Đi ngang Thành Nội". Đặc biệt, bài thơ để lại dấu ấn về Huế với tôi là tác phẩm "Tưởng Niệm" viết nhân lễ cải táng vua Duy Tân".
"Ước chi tới bến sông Hương
Đốt nhang mà lạy nắm xương lưu đày
Thế là đã trở về đây
Một con người tận chân mây cuối trời"...
Nhà lý luận phê bình văn học, PGS, TS. Hồ Thế Hà bày tỏ, đêm thơ "Nguyễn Duy với Huế" là một sự kiện văn hoá có ý nghĩa với đời sống tinh thần của người dân Cố đô. Nguyễn Duy dành cho Huế một tình cảm rất đặc biệt. Ông hiểu Huế, hiểu văn hoá Huế, tâm thức Huế, điều này thể hiện rất rõ qua tập thơ “Thời gian đi xám mặt đỉnh đồng”. Ở đó, không gian Huế, con người Huế đã trở thành đối tượng thẩm mỹ của nhà thơ. Chất thơ phóng khoáng, phong trần mà tài hoa, gắn với giọng điệu rất Nguyễn Duy.
Tại chương trình, các tác phẩm “Nét và hình”, “Bầu trời, mặt đất, bàn tay”, “Hỏi thăm”, “Đưa tiễn một nụ cười”, “Sông duyên”, Thiền tình”, “Giấc Huế”, “Tưởng niệm”… với những âm điệu thơ hoà quyện tạo thành sức sống lâu bền được các nghệ sĩ chuyển tải qua các hình thức diễn ngâm, trình diễn ca khúc, sân khấu hóa... đã thổi hồn và làm cho thơ thêm giàu cảm xúc và mang đến cho công chúng yêu thơ những khoảnh khắc sâu lắng.
Theo Liên Minh - Báo Thừa Thiên Huế Online