Sáng 24/11 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Câu lạc bộ Sách và Văn hóa Huế tổ chức buổi ra mắt ấn phẩm “Một trăm năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920-2020) – Một góc nhìn”.
Ấn phẩm "Một trăm năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920-2020) – Một góc nhìn" là tác phẩm nghiên cứu do nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam làm chủ biên, cùng các tác giả: TS. Trần Thị Vân Dung, TS. Nguyễn Văn Hùng, TS. Phan Trọng Hoàng Linh, TS. Lê Văn Thi, Ths. Phạm Phú Uyên Châu, ThS. Nguyễn Thị Thu Sương. Ấn phẩm được được nhà xuất bản Thuận Hóa thực hiện và ấn hành, bao gồm: Chương 1 - Những năm đầu văn học quốc ngữ (1920-1945), Chương 2 - Văn học hai cuộc kháng chiến (1945-1975), Chương 3 - Văn học thời hòa bình, thống nhất và đổi mới (1975-2020).
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế - tặng hoa chúc mừng nhóm tác giả
Theo nhóm tác giả, văn chương quốc ngữ đã ra đời trên cái nền của đời sống báo chí hiện đại, nên không phải là điểm mạnh của Huế và miền Trung, so với hai đầu đất nước. Vì thế, văn học quốc ngữ xứ Huế đi từ những khởi đầu của Đạm Phương, rồi đến Lê Cương Phụng, Cung Giũ Nguyên, Đào Đăng Vỹ, Bửu Đình... nhờ vào sức hội tụ và lan tỏa, đã hình thành và phát triển đội ngũ ngày càng đông đảo qua từng giai đoạn, đem lại những thành tựu văn học nổi bật đáng được ghi nhận.
Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong chia sẻ, “tự lượng sức mình, chúng tôi chỉ giới hạn trong một góc nhìn có ý nghĩa khái quát, còn có quá nhiều hiện tượng, các sự kiện văn học, các tác giả tác phẩm, cũng như sự tác động liên tục, không ngừng và mạnh mẽ của dòng chảy văn học xứ Huế vào đời sống tinh thần xã hội, mà do hạn chế về tầm nhìn, công trình này đã nỗ lực hết sức cũng chưa thể với tới một cách bao quát hết được. Chúng tôi mong có dịp quay lại vấn đề này và cũng xin mong chờ các đồng nghiệp, những nhà nghiên cứu có uy tín cùng hưởng ứng với tấm lòng ngưỡng vọng di sản văn học đồ sộ của xứ Huế, đẹp và thơ”.
Quỳnh Chi