Tối 11/2 (nhằm ngày 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Huế và Hội Nhà văn thành phố Huế đã phối hợp tổ chức đêm thơ Nguyên tiêu 2025 với chủ đề "Tổ quốc bay lên".
Theo thông lệ hằng năm, Ngày Thơ Việt Nam diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, trở thành một lễ hội văn hóa mang tính quần chúng rộng rãi, đặc biệt là đêm thơ Nguyên Tiêu đã trở thành một hoạt động không thể thiếu của những người yêu thơ ở thành phố Huế nói riêng và khắp cả nước nói chung, góp phần quảng bá các giá trị thơ ca của dân tộc, nuôi dưỡng và phát huy tình yêu văn học đối với mọi tầng lớp nhân dân.
Nhà thơ Lưu Ly - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Huế - phát biểu tại đêm thơ Nguyên tiêu
NSƯT Phong Thủy diễn ngâm tác phẩm "Nguyên Tiêu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Mở đầu đêm thơ, công chúng được thưởng thức bài thơ “Nguyên Tiêu”, một bài thơ nằm trong chùm thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tại chiến khu Việt Bắc, đã trở thành một bài thơ mang âm sắc mùa xuân với vẻ đẹp sáng ngời của niềm tin, chân lý. Tiếp đó, qua giọng ngâm của chính các tác giả, những tác phẩm được vang lên đầy cảm xúc, da diết như "Tháng Giêng hồng" của nhà thơ Ngàn Thương, "Thiên đường Vọng Cảnh" của nhà thơ Triệu Nguyên Phong, "Xuân này anh có về không" của nhà thơ Hà Thi, "Mắc nợ tháng Giêng" của nhà thơ Đỗ Văn Khoái, "Màu hoa ấy" của nhà thơ Mai Văn Hoan... đã mang đến cho công chúng yêu thơ những giây phút sâu lắng, thả hồn vào những câu thơ miên man giữa tiết trời xứ Huế những ngày mùa xuân.
Nhà thơ Ngàn Thương với tác phẩm "Tháng Giêng hồng"
Nhà thơ Hoàng Xuân Thảo diễn ngâm tác phẩm "Huế tôi yêu"
Nhà thơ Đỗ Văn Khoái với tác phẩm "Mắc nợ Tháng Giêng"
Bên cạnh đó cũng không thể thiếu những bài ca bất hủ trong mỗi đêm thơ Rằm tháng Giêng như "Mùa xuân nho nhỏ" của nhạc sĩ Trần Hoàn (Thơ Thanh Hải), hay "Mùa xuân đầu tiền" của nhạc sĩ Văn Cao... như gói gọn cả sắc hương mùa xuân vào không gian đêm thơ, mang đến một đêm hội giàu cảm xúc, ý nghĩa.
Quỳnh Chi