Huế 24h
Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT và công tác tổ chức trại sáng tác giai đoạn 2016-2020”
15:02 | 23/12/2016

Sáng 23/12, tại khách sạn Duy Tân (thành phố Huế), Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT và công tác tổ chức trại sáng tác giai đoạn 2016-2020”.

Hội thảo “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT và công tác tổ chức trại sáng tác giai đoạn 2016-2020”


Toàn cảnh buổi hội thảo

Kể từ năm 2004 đến nay, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật và báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nhà báo địa phương. Chương trình hỗ trợ này được ví như là “cú hích” cho đội ngũ văn nghệ sĩ trong cả nước, nhằm nâng cao năng lực sáng tạo, góp phần một cách có hiệu quả trong công cuộc cùng với cả nước chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống văn học nghệ thuật của cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.


Nhạc sĩ Lê Phùng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo

Từ những định hướng và chủ trương của Nghị quyết 23/NQ-TW, bắt đầu từ giai đoạn năm 2011 trở đi, hoạt động hỗ trợ sáng tạo dần đi vào nề nếp. Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế kể từ khi tiếp nhận nguồn Quỹ hỗ trợ sáng tạo của Chính phủ đã triển khai một cách nghiêm túc, đúng mục đích, đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần đẩy mạnh hoạt động sáng tạo VHNT trên địa bàn tỉnh.


Các đồng chí chủ trì hội thảo

Hội thảo đã nghe 10 tham luận của 8 Hội chuyên ngành, đa phần các tham luận đều ghi nhận hiệu quả thiết thực của Quỹ hỗ trợ sáng tạo, như một luồng gió mới kích thích nguồn năng lượng sáng tạo cho giới văn nghệ sĩ cả nước cũng như tại Thừa Thiên Huế. Đồng thời, các tham luận cũng đã đề cập đến nhiều vấn đề như: giải pháp nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả nguồn quỹ hỗ trợ sáng tạo, băn khoăn về hoạt động hỗ trợ sáng tạo trong thời gian qua tại Thừa Thiên Huế chưa có công trình, tác phẩm nào có tầm quy mô, chất lượng cao; có nên chăng “đầu tư sáng tác có chọn lọc”;...v..v... Dù đang còn những trăn trở về các tác phẩm, công trình VHNT chưa có tính quy mô, song, thông qua Quỹ hỗ trợ sáng tạo cũng đã hình thành nhiều tác phẩm, công trình bước đầu đã có những định hình tốt, chất lượng cao và nhận được nhiều giải thưởng lớn.

Buổi hội thảo là một sự đúc kết, nhìn nhận, đánh giá những công việc đã qua, để cùng hiến kế những giải pháp, nhằm tiếp tục phát huy và đem lại hiệu quả cao hơn nữa trong việc triển khai thực hiện nguồn Quỹ hỗ trợ đầu tư sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, cũng như các giai đoạn tiếp theo tại Thừa Thiên Huế.

Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:


"Để công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm VHNT quy mô, chất lượng cao đạt kết quả" - Nhà văn Nguyễn Khắc Phê (Hội Nhà văn)


"Trại sáng tác là một trong những biện pháp đầu tư có hiệu quả" - Họa sĩ Đặng Mậu Tựu (Hội Mỹ thuật)


"Làm gì để quỹ đầu tư sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT thực sự có hiệu quả" -
Nhạc sĩ Nguyễn Việt (Hội Âm nhạc)


"Vài suy nghĩ về công tác hỗ trợ sáng tạo của Hội Nghệ sĩ Múa giai đoạn 2010-2015" -
Ông Cao Chí Hải (Hội Nghệ sĩ Múa)


"Một vài trao đổi về việc đổi mới nâng cao hiệu quả hỗ trợ sáng tạo tác phẩm giai đoạn 2016-2020" -
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (Hội Mỹ thuật)


"Hiện trạng, nguyên nhân và giải pháp nâng cao chất lượng đầu tư sáng tác" -
NSNA Võ Đông Bảy (Hội Nhiếp ảnh)


"Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT và công tác tổ chức trại sáng tác giai đoạn 2016-2020" -
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thanh (Hội Sân khấu)


Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình VHNT" -
Nhà nghiên cứu Trần Nguyễn Khánh Phong (Hội Văn nghệ Dân gian)

 

Quỳnh Chi

Các bài mới
Các bài đã đăng