(Của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế)
HỒ THẾ HÀ
Năm nay, Hội đồng nghệ thuật Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tiến hành thẩm định, bình chọn và thống nhất thông qua 13 tác phẩm, công trình xuất sắc, trên tổng số 17 tác phẩm, công trình do các Hội chuyên ngành giới thiệu; để tặng thưởng chính thức năm 2016 cho 07 Hội chuyên ngành gồm: Hội Nhà văn, Hội Nhiếp ảnh, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Âm nhạc, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Văn nghệ Dân gian và Hội Mỹ thuật. Điểm mới trong bình chọn của Hội đồng nghệ thuật năm này là chú ý đến tính nghệ thuật và đột phá trong tư duy sáng tạo, tránh những chủ đề và cách thể hiện lặp lại, sáo cũ, đơn điệu, quan tâm đến hệ hình hiện đại và hậu hiện đại của các tác phẩm.
Nhìn qua chất lượng và sự đa dạng của các thể loại, thể tài từ các công trình, tác phẩm đạt giải năm nay như yêu cầu nói trên, chúng ta vui mừng nhận thấy rằng các văn nghệ sĩ TT.Huế đã thực sự trải nghiệm, kiếm tìm và say mê sáng tạo. Thông qua các chủ đề, đề tài, với sự tích hợp mới về tư duy nghệ thuật, cảm quan hiện thực và thông điệp triết mỹ, các tác giả đã thể hiện thành những thế giới ngôn từ - hình tượng - tư tưởng sinh động theo đặc trưng riêng của từng thể loại và theo nhu cầu, tầm đón nhận mới của công chúng tiếp nhận.
Hai tác phẩm của Hội Mỹ thuật với hai chủ đề và chất liệu thể hiện khác nhau, thể hiện hai phong cách riêng trước những vấn đề có ý nghĩa thời sự và ý nghĩa nhân sinh cấp thiết. Biển chết SOS (chất liệu sơn dầu) của Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai - bằng những nét biểu trưng, và nghệ thuật thể hiện toàn ảnh đồng dạng cái chết của những sinh thể cá đã làm hiện lên tinh thần phản biện và thái độ phê phán sâu sắc của tác giả trước hành vi vô trách nhiệm của những người dã tâm hủy hoại môi trường sinh thái, làm cho thiên nhiên và con người hệ lụy và xa xót. Chính tiêu đề tác phẩm đã nói lên tinh thần phản kháng trực diện có tính cấp của xã hội.
Tác phẩm Biển chết SOS (chất liệu sơn dầu) của Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai
Tác phẩm Dấu xưa (chất liệu tổng hợp) của Võ Văn Quý
Còn Dấu xưa (chất liệu tổng hợp) của Võ Văn Quý đã gây bất ngờ cho người xem bằng cái nhìn thị giác qua những đường nét và màu sắc cách điệu, biểu trưng trên nền không gian phẳng, làm hiện lên sự tương hợp, giao hòa giữa con người và thiên nhiên trong tính chỉnh thể trọn vẹn ba chiều của không gian quá khứ - biểu trưng cho sự sống bất diệt của con người và các quan hệ bền vững mà chính con người - chủ thể ý thức cần ý thức để bảo vệ, nương tựa và phát huy những giá trị bất diệt của chúng trong hiện tại và tương lai.
Lần này, Hội Nghệ sĩ múa đề xuất 02 tác phẩm, nhưng Hội đồng nghệ thuật Liên hiệp Hội bình chọn 01 tác phẩm để xét tặng thưởng cho biên đạo Phan Hoàng (âm nhạc Tuệ Nguyên). Có thể nói qua sự nhập vai điêu luyện và đồng dạng - chủ yếu là ở thế giới nội tâm kết hợp với ngôn ngữ hình thể của các nghệ sĩ trên sân khấu đã thể hiện thông điệp triết lý đến khán giả rằng mọi hoạt động và tư tưởng của con người bao giờ cũng vươn đến quy luật Chân - Thiện - Mỹ. Muốn vậy, con người dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đấu tranh với chính mình để làm chủ bản thân và làm chủ nhân tính thiện để chống lại cái ác, để tồn tại có ích và nhân ái với nhân sinh. Và quan trọng hơn là bằng sự cảm hóa và anh minh của cái Thiện, khiến cho cái Ác phải cúi đầu phục thiện. Ngôn ngữ múa hiện đại, cộng hưởng với âm nhạc và ánh sáng, hóa trang, bài trí sân khấu… đã làm cho tính nguyên hợp của tác phẩm biểu diễn trở nên lung linh, giàu biến ảo, đa thanh, thể hiện tài nghệ của diễn viên và đạo diễn. Tác phẩm được tặng Bằng khen Biên đạo múa trẻ và đạt giải A của Hội chuyên ngành Trung ương.
Hội Âm nhạc, được Hội đồng nghệ thuật bình chọn 02 tác phẩm với hai phong cách khác nhau. Ca khúc Về Huế đi anh của Trần Tôn (thơ Phan Bích Mai) với ca từ và giai điệu trữ tình, sâu lắng, nhưng đầy tự hào, ân nghĩa đã tạo nên tính chỉnh thể nghệ thuật vững chắc. Qua thi pháp ngôn ngữ âm thanh giàu tính suy tưởng, ca khúc đã để lại dư âm, dư ảnh thân thương trong lòng người thưởng thức về một Huế xưa và Huế hôm nay.
Tác phẩm Đại Hồng Thủy của nhạc sĩ Trầm Tích với giai điệu Rock metal là một thành công mới của nghệ thuật âm nhạc hiện đại gắn với những vấn đề thời sự sinh thái mà con người phải hệ lụy, nhưng chính thiên nhiên - đối tượng gây ra thảm hại phải tự hủy hoại mình trước tiên. Các giai điệu lồng ghép từ Rock ballad, Drum (Hi hat), Drum Fill, Guitar Lead, đã tạo nên những cao trào âm thanh dồn dập, thể hiện sự tàn phá dữ dội của Đại hồng thủy đối với môi sinh, nhưng rồi chính nó cũng phải đầu hàng với chính nó. Quãng 8 của ca khúc đã kết thúc bài hát một cách dư vang. Mọi quy luật vĩnh hằng lại diễn ra sau cơn Đại hồng thủy là thông điệp ngầm của âm nhạc mà Trầm Tích muốn gửi đến người tiếp nhận về ước mơ màu xanh yên bình trên mặt đất.
Hội Văn nghệ Dân gian được bình chọn công trình Văn học dân gian huyện Nam Đông tỉnh Thừa Thiên Huế của Trần Nguyễn Khánh Phong. Qua công trình, chứng tỏ các tác giả là một chuyên gia có thao tác khoa học và phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian vững chắc. Và điều quan trọng là tâm huyết và công sức của tác giả đối với con người và quê hương Nam Đông, Thừa Thiên Huế. Công trình đã thực sự đóng góp những kết quả khoa học có giá trị, đáng trân trọng.
Năm nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu mạnh dạn chọn vở Bi kịch nhà vua thi sĩ của tác giả Hải Trung, đạo diễn NSƯT La Thanh Hùng và dàn nghệ sĩ tài năng NSND Bạch Hạc, NSƯT Trần Đại Dũng, Hoàng Trọng Cương, để tham gia dự giải vì tính chất đột phá và đổi mới tư duy của tác giả và đạo diễn trước một chủ đề và đối tượng tưởng đã yên vị và thuộc về sự thẩm định thống nhất của lịch sử và con người hậu thế. Vị hoàng đế thi sĩ Tự Đức được nhận thức mới và nhận thức lại trong tính bi kịch, bi hùng và minh chính của chính đời sống cá nhân nhà vua trong quan hệ với lịch sử, triều đại mà dù Tự Đức có là nhà vua đi chăng nữa cũng không thể vượt qua thời cuộc. Sự dằn vặt nội tâm, sự tự thú, có cả sự xa xót, cô đơn của nhà vua thi sĩ này qua vai diễn đã đem lại những nhận thức đồng thuận và phản biện mới của người xem. Tác phẩm đạt Huy chương Bạc Hội diễn Sân khấu toàn quốc.
NSƯT Đình Dũng và NSND Kiều Oanh trong vở ca kịch Vụ án Lệ Chi Viên
NSƯT Nguyễn Đình Dũng được Hội Nghệ sĩ sân khấu và Liên hiệp Hội thống nhất cao bình chọn tặng giải vai diễn xuất sắc Nguyễn Trãi trong vở ca kịch Vụ án Lệ Chi Viên. Qua sự nhập vai, nhập cuộc và nhập sự trong quá khứ, Nguyễn Đình Dũng đã thực sự làm sống lại lịch sử bi hùng và bị kịch không chỉ cá nhân Nguyễn Trãi - vị quân sư xuất chúng của triều Lê mà còn là bi kịch của chính triều đại và cá nhân những người cầm quyền khi họ bất chấp nhân nghĩa, lương tâm và sự thật để bước qua số phận của nhân dân và số phận một con người trung nghĩa như Nguyễn Trãi.
Năm nay, Hội Nhiếp ảnh được bình chọn 2 tác phẩm ảnh màu có giá trị. Tác giả Lê Huy Hoàng Hải với tác phẩm Múa võ trước Ngọ Môn và Trương Vững với tác phẩm Múa rồng đã cho người thưởng thức có dịp hình dung ngôn ngữ ảnh thông ngôn ngữ hình thể và đạo cụ trên nền không gian tĩnh, những tất cả lại trở nên sinh động, trong liên tưởng của người xem, thời gian đã hóa không gian và nhịp sống đang chuyển động theo những đường quyền điêu luyện của các võ sư và nét uốn lượn của thiên long đang ban thái hòa cho muôn dân và vạn vật. Sự sống được gián cách qua ngôn ngữ nhiếp ảnh và điểm nhìn nghệ thuật nhiếp ảnh chính diện, tạo được không gian thị giác hấp dẫn và bắt mắt cho người xem.
Hội Nhà văn năm nay đề xuất, giới thiệu 03 tác phẩm tham dự. Một thơ, Lục bát rời của Nguyên Quân, một ký Nhìn từ Huế của Dương Phước Thu và một chuyên luận văn chương Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại của Trần Huyền Sâm.
Với lòng đam mê và theo đuổi ước vọng về sự lên ngôi nữ quyền cho một nửa thế giới là đàn bà, Trần Huyền Sâm theo đuổi không mệt mỏi cho tiếng nói bình đẳng giới, ít nhất là cho chính mình, đã chính thức cho ra mắt bạn đọc công trình: Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại. Để thực hiện mục tiêu nói trên, Trần Huyền Sâm đã dày công tham chiếu những nội dung mới mẻ, tương thích của Lý thuyết nữ quyền/Lý thuyết giới, mà biểu hiện cụ thể của nó là Lý thuyết phê bình nữ quyền (mở đầu bằng công trình Giới tính thứ hai - The second sex của Simone de Beauvoir) vào thực tế sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại tiêu biểu để chỉ ra những đặc điểm nổi bật mang yếu tố phái tính và âm hưởng nữ quyền ở hai bình diện nổi trội thuộc nội dung và hình thức của tác phẩm. Mà cụ thể là các dạng thức trần thuật và hình thức diễn ngôn. Qua đó, chỉ ra sự đóng góp của các các thế hệ nhà văn nữ (cả trong nước và hải ngoại) vào nền văn học hiện đại Việt Nam từ góc nhìn nữ quyền luận và từ cách tiếp cận phân tâm học văn học. Phải nói đây là hướng tiếp cận mới mẻ và có ý hướng tính khoa học riêng của Trần Huyền Sâm. Chúng tôi đánh giá cao kết quả khoa học của tác giả ở các nội dung mới, đặc biệt là Diễn ngôn về phạm trù trinh tiết của nữ giới; Diễn ngôn về nỗi đau “chối bỏ thân thể”; Ngôn ngữ thân thể và ẩn ức tính dục nữ; Tính chất tự thuật - một hình thức giải phóng cái tôi nữ giới...
Nhìn từ Huế với hai mươi bút ký là Bảo tàng thành văn mà Dương Phước Thu đã lần lượt đồng hiện trên trang sách như những di sản văn hóa, di sản tinh thần quý giá. Đây là thành công mới của Dương Phước Thu sau một thời gian dài anh đi và viết, đọc và ngẫm, ấp ủ và dự định. Cách làm việc cẩn trọng và nghiêm túc của anh đã giúp anh hình thành được phong cách viết ký của mình - phong cách ký lịch sử - văn hóa, qua đó, anh khai mở những góc khuất giá trị của lịch sử và văn hóa Huế với cái nhìn song chiếu từ quá khứ đến hiện tại để rút ra bài học kinh nghiệm và bài học tinh thần cho cuộc sống và con người hiện tại trên tinh thần “ôn cố tri tân” có đồng thuận và phản biện quá khứ một cách khách quan, khoa học.
Thi phẩm Lục bát rời của Nguyên Quân cũng là một thể nghiệm mới của tác giả, đặc biệt là ở cảm thức tâm linh. Đó là kết quả của hành trình sống và hành trình sáng tạo liên tục của anh, chúng chuyển hóa trong nhau để tạo thành chất thơ của một hồn thơ giàu nghiệm sinh, triết mỹ. Lục bát rời của Nguyên Quân đã để lại những ấn tượng thi pháp đặc biệt. Với Lục bát rời, Nguyên Quân đã chứng minh được khả năng làm chủ lục bát của mình khá vững vàng qua những phá và thay cấu trúc 6-8 của lục bát truyền thống một cách chủ động và tự nhiên theo nhịp điệu bên trong của cảm xúc và nhịp điệu bên ngoài của hiện thực để thể hiện tư tưởng và tâm hồn của nhà thơ chân thật, giàu chất nghiệm sinh.
***
Các tác phẩm, công trình xét Tặng thưởng lần này chính là kết quả của quá trình học hỏi, lao động nghệ thuật gian khó, là quá trình chiếm lĩnh và nghiền ngẫm hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng để thể hiện thành hình tượng, thành nội dung nghệ thuật đầy trách nhiệm, khát khao và nhân ái với cuộc sống và nhân dân với chiều sâu và chiều rộng của hiện thực, tầm cao của mỹ học và tư tưởng. Chúng ta vô cùng tự hào và xem đây là hành trang mới của tất cả chúng ta, chứng tỏ rằng sức lực, hoài bão niềm tin và tài năng sáng tạo của từng văn nghệ sĩ chưa bao giờ bình lặng, chưa bao giờ chịu hạ cánh trước những chân trời rộng mở của văn học nghệ thuật đang từng ngày, từng giờ chờ đợi và thách thức sự vượt qua những giới hạn của mỗi văn nghệ sĩ để có những tác phẩm mang tầm cao của nghệ thuật và cuộc sống, xứng đáng với quê hương Thừa Thiên Huế - nơi được mệnh danh là xứ sở của thi - ca - nhạc - họa và giàu trầm tích văn hóa, để cùng với đồng nghiệp được hưởng không khí học thuật, sáng tạo dân chủ, giao lưu và hữu nghị cao quý, tiếp tục hình thành những giá trị mới và làm đầy những giá trị độc sáng cho mỗi tác phẩm, mỗi công trình nghệ thuật trong tương lai.
H.T.H