Huế 24h
Đại Nội Huế sẽ được mở cửa cho du khách tham quan về đêm bắt đầu từ ngày 22/4/2017
08:47 | 22/02/2017

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, từ ngày 22/4/2017 vào lúc 19 giờ 00 - 22 giờ 00 hằng đêm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiến hành mở cửa tham quan "Đại Nội về đêm" cho các du khách.

Đại Nội Huế sẽ được mở cửa cho du khách tham quan về đêm bắt đầu từ ngày 22/4/2017
Đại Nội Huế về đêm. Ảnh: CAND
Đến với chương trình "Đại Nội về đêm", du khách sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị cùng Di sản Huế trong đó là những trải nghiệm khó quên về cảnh sắc lung linh của Hoàng cung Huế xưa từ Ngọ Môn, cầu Trung Đạo, hồ Thái Dịch đến Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh…; trải nghiệm ấn tượng về các nghi thức cung đình xưa như lễ Đổi gác, trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc…; trải nghiệm thú vị về các hoạt động diễn xướng như Cấm vệ quân luyện võ, các bài bản múa cung đình, các chương trình âm sắc hoàng cung cùng các trò chơi cùng đình được tái hiện; những trải nghiệm văn hóa Huế qua các trưng bày ấn tượng về 5 di sản thế giới ở Huế cùng các trưng bày chuyên đề tại các di tích.
 
Ngoài ra, đến với “Đại Nội về đêm”, du khách còn được trải nghiệm về Nghề truyền thống Huế, các hoạt động dịch vụ tại Phủ Nội vụ, cung Trường Sanh, cung Diên Thọ.
 
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thì giá vé vào Đại Nội về đêm vẫn như ban ngày, tức là 120.000 đồng đối với khách Việt Nam và 150.000 đồng đối với khách quốc tế.
 
Là trung tâm chính trị của Triều Nguyễn, Hoàng Thành (Đại Nội) và các kiến trúc bên trong luôn là điểm đến không thể thiếu của du khách mỗi khi tham quan Cố đô Huế trong nhiều năm qua. Năm 2017, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xây dựng kế hoạch mở cửa Đại nội về đêm với mong muốn tạo thêm một điểm nhấn trong hành trình tham quan di sản miền Trung ở Việt Nam.
 
Với việc mở cửa “Đại Nội về đêm” cùng với nhiều giải pháp mạnh mẽ trong phát triển du lịch, dịch vụ đang được tỉnh Thừa Thiên - Huế nỗ lực thực hiện như tập trung thu hút các dự án lớn đầu tư các khu du lịch cao cấp, gắn với phát triển dịch vụ đồng bộ, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao; phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản; phát triển mạnh các làng nghề truyền thống để phục vụ du lịch gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối các điểm đến; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch biển, đầm phá, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch ẩm thực, du lịch vui chơi giải trí, du lịch mua sắm; thu hút các nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch, các sản phẩm du lịch cao cấp ở vùng ven biển, đầm phá ở Chân Mây - Lăng Cô và Bạch Mã để bổ sung cho thành phố di sản Huế, thu hút du khách quốc tế… sẽ góp phần tạo nên sự hấp dẫn, mới lạ, phong phú cho du khách mỗi khi đến với Thừa Thiên - Huế nhằm mục tiêu đến năm 2020 thu hút trên 5 triệu lượt khách; đến năm 2030, thu hút hơn 7 triệu lượt khách; phấn đấu đến năm 2020, đưa Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới.
 
Theo thuathienhue.gov.vn
Các bài mới
Các bài đã đăng