Theo đó, tỉnh lựa chọn để tiến hành tổ chức không gian làng nghề và đào tạo nguồn nhân lực để vừa phát triển nghề, vừa trình diễn và tham gia các hoạt động quảng bá du lịch.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh đầu tư, hỗ trợ phát triển 8 nghề và làng nghề gắn với du lịch. Tại các làng nghề, tỉnh ưu tiên đầu tư khôi phục, phát triển các ngành nghề chủ yếu sau: làng nghề đúc đồng Huế (phường Phường Đúc và Thủy Xuân, TP Huế).
Làng nghề gốm Phước Tích và làng nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền). Làng nghề tranh dân gian làng Sình và hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang).
Làng nghề nón lá Thủy Thanh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy) và làng nghề nón lá Mỹ Lam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang). Làng nghề dệt Zèng tại các xã A Roàng, A Đớt (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới). Làng nghề đan lát mây tre Bao La, xã Quảng Phú và Thủy Lập, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền).
Sản xuất hàng lưu niệm thuyền rồng bằng tre. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm tạo ra quá trình sản xuất tại chỗ thông qua việc cung ứng các sản phẩm hàng hóa của các làng nghề cũng như các dịch vụ du lịch, tạo thêm việc làm cho người lao động nông thôn.
Mặt khác, việc đưa hoạt động du lịch về với các làng nghề truyền thống không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân làng nghề mà còn góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển nghề truyền thống ở địa phương bằng việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng, đặc trưng văn hóa cao đáp ứng nhu cầu du khách.
Được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ, làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tiếp tục phát triển nghề làm hoa giấy. Đây là làng nghề có hơn 300 năm tuổi với sản phẩn hoa giấy chuyên phục vụ cho thờ cúng trước đây, nay phát triển thêm hoa sen giấy nghệ thuật. Một bó hoa sen gồm hoa, lá, nụ đứng ở tầm xa khoảng vài mét là không phân biệt được hoa thật hay hoa giấy.
Sản xuất quạt vải. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN
Hoa sen giấy Thanh Tiên, biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam đã bán sang tận châu Âu, châu Mỹ, châu Úc qua các lượt khách du lịch khi đến Huế. Hoa sen giấy Thanh Tiên còn được cách tân làm biểu tượng trong các lễ hội lớn như Festival Huế, lễ hội áo dài Minh Hạnh, các chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật và được trưng bày ở Đại Nội - Huế.
Một địa điểm làng nghề khác hết sức hấp dẫn, thu hút đông du khách nữa là làng nghề dệt zèng tại các xã A Roàng, A Đớt thuộc thị trấn A Lưới, huyện A Lưới. Nghề dệt zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới là một trong những nghề truyền thống ra đời sớm và hiện đang được duy trì, phát triển ở A Lưới.
Những tấm zèng là lễ vật không thể thiếu trong các sinh hoạt cộng đồng. Mọi người trong làng đến với lễ hội hay những sự kiện quan trọng đều mang những trang phục được làm nên từ zèng, tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của cả tộc người Tà Ôi nói riêng cũng như đồng bào các dân tộc ở A Lưới nói chung.
Những sản phẩm dệt zèng trước đây được dệt ra chỉ để phục vụ nhu cầu mặc của người dân thì nay với đủ hoa văn, mẫu mã, kiểu dáng như khăn, túi, khố... đi kèm kỹ thuật gắn hạt cườm tạo nên vẻ đẹp độc đáo, riêng biệt, đã trở thành sản phẩm được ưa chuộng của khách du lịch khi đến A Lưới.
Dệt zèng của A Lưới được đánh giá có chất lượng tốt và có tính sáng tạo rất cao. Hiện nay, ngoài nguyên liệu truyền thống, các cơ sở dệt zèng ở A Lưới còn dùng thêm nguyên liệu là sợi coton, sợi chỉ hoặc sợi len để dệt zèng. Tấm zèng thường được người thợ dệt sử dụng các gam màu đỏ, trắng, vàng, đen...
Trong đó, sợi dệt truyền thống là sợi coton 100% (sợi bông). Sợi coton dệt thành vải zèng được người dân và khách du lịch ưa chuộng nhất nhờ chất vải mềm, mùa hè mặc mát và hút mồ hôi, mùa đông thì ấm. Những người thợ dệt zèng thường có tay nghề rất thuần thục và rất tâm huyết thì mới có thể dệt ra những tấm zèng tốt.
Hiện nay, tại A Lưới, nguồn nhân lực có tay nghề là người bản địa rất lớn. Nếu được đầu tư đúng mức, nghề dệt zèng ở đây sẽ còn vươn xa, ngày càng đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, thu hút khách du lịch.
Theo thống kê, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế có 92 làng nghề; trong đó, có 42 làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời có khả năng khôi phục, gắn kết với phát triển du lịch.
Đề cập đến khả năng khai thác các làng nghề gắn với du lịch, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, vấn đề quan trọng các làng nghề đang hướng tới là vừa khôi phục, phát triển; vừa đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền cho sản phẩm của làng nghề.
Một khi, các làng nghề đã có thương hiệu thì việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làng nghề có hiệu quả, dễ dàng hơn cũng như giải quyết được một lượng lớn lao động, tăng nguồn thu nhập, nhất là ở khu vực nông thôn. Đây cũng là điều kiện góp phần đáp ứng các tiêu chí chuyển dịch cơ cấu lao động trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay ở Thừa Thiên - Huế.
Theo Quốc Việt - baotintuc.vn