Huế 24h
Biểu diễn áo dài gắn với hội hoạ Huế sau 15 năm ngắt quãng
08:55 | 20/03/2017

Sau 15 năm ngắt quãng, màn biểu diễn áo dài gắn với những tác phẩm hội hoạ của 20 hoạ sỹ Huế trên cầu Trường Tiền - TP. Huế sẽ được diễn ra từ 22 đến vào 30/4.

Biểu diễn áo dài gắn với hội hoạ Huế sau 15 năm ngắt quãng
BTC Festival Nghề truyền thống Huế 2017 gặp gỡ các NTK Huế, TP.HCM và Hà Nội sáng 17/3
Sáng 17/3, Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 đã tổ chức cuộc gặp mặt giữa các nhà thiết kế (NTK) Huế, TP. HCM, Hà Nội với các họa sỹ Huế. Cuộc gặp gỡ nhằm cùng nhau thảo luận về nội dung, hình thức và các hoạt động cho Lễ hội Áo dài tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017.
 
Áo dài từ lâu luôn gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt ở Huế. Trải qua nhiều thời kì, áo dài đã được phụ nữ sử dụng như một trang phục để vẽ lên vẻ đẹp riêng có cho người con gái Huế.
 
Đối với các kì Festival Huế, Lễ hội Áo dài luôn là một trong những điểm nhấn đặc sắc và luôn được công chúng đón nhận, thưởng ngoạn. Lễ hội Áo dài đầu tiên được tổ chức tại Huế vào năm 2002 diễn ra tại cầu Trường Tiền. Có thể nói, đây là chương trình tôn vinh áo dài được tổ chức đầu tiên của Việt Nam.
 
Lễ hội áo dài Huế được tổ chức qua nhiều kì và mỗi kì đều gắn với nhiều chủ đề: Màu thời gian; Dấu xưa; Vọng thiên niên; Hoa sen trong hội họa; Thế giới trong tà áo dài… Và năm nay, sau 15 năm, một lần nữa những tà áo dài thướt tha sẽ trở lại không gian lãng mạn của cầu Trường Tiền với chủ đề “Hội họa Huế trong tà áo dài”.
 
Hội họa Huế đã trải qua một thời gian dài và có rất nhiều tên tuổi không chỉ làm rạng danh cho mảnh đất Huế mà còn góp thành tựu lớn cho mỹ thuật Việt Nam đương đại. Dòng chảy mỹ thuật Huế đang lưu chuyển với mong muốn tìm kiếm sự độc đáo trong sáng tạo để cống hiến cho mỹ thuật đất nước nói chung và Huế nói riêng.
 
NTK Minh Hạnh và vợ hoạ sỹ Bửu Chi.
NTK Minh Hạnh và vợ hoạ sỹ Bửu Chỉ

Chủ đề Hội họa trong tà áo dài thực sự là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của áo dài và hội họa Huế. Người xem có thể nhìn ngắm tranh của họa sỹ Trương Bé với áo dài của NTK Viết Bảo; tranh của hoạ sỹ Phan Thanh Bình với áo dài của NTK Duy Nguyễn; tranh của họa sỹ Bửu Chỉ, Đinh Cường, Lê Bá Đảng với áo dài của NTK Minh Hạnh; tranh của hoạ sỹ Tôn Thất Đào với áo dài của NTK Hiền Đặng; tranh của hoạ sỹ Nguyễn Thiện Đức với áo dài của NTK Chu La; tranh của hoạ sỹ Lê Đức Hải, Lê Ngọc Thanh với áo dài của NTK Nhi Hoàng; tranh của hoạ sỹ Võ Xuân Huy với áo dài của NTK Xuân Hảo; tranh của hoạ sỹ Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai với áo dài của NTK Hữu LaLa; tranh của hoạ sỹ Lê Văn Nhường với áo dài của NTK Thanh Thúy; tranh của hoạ sỹ Lê Phan Quốc với áo dài của NTK Quang Tân; tranh của hoạ sỹ Nguyễn Đăng Sơn với áo dài của NTK Khánh Shyna; tranh của hoạ sỹ Đặng Mậu Triết với áo dài của NTK Vũ Trần Đức Hải; tranh của hoạ sỹ Phạm Trinh với áo dài của NTK Ngọc Hân; tranh của hoạ sỹ Đặng Mậu Tựu với áo dài NTK Quang Huy; tranh của hoạ sỹ Nguyễn Văn Tuyên với áo dài của NTK Vũ Việt Hà.

NTK Xuân Hảo với NTK Ngọc Hân bên những tác phẩm áo dài gắn liền với hội hoạ của các hoạ sỹ Huế.
NTK Xuân Hảo với NTK Ngọc Hân bên những tác phẩm áo dài gắn liền với hội hoạ của các hoạ sỹ Huế

Trước đó, các Nhà thiết kế đã nhiều lần tiếp cận với những tác phẩm và liên lạc trực tiếp với các họa sỹ để có những thông tin bổ ích nhằm cùng nhau thực hiện ý tưởng. Tại cuộc gặp gỡ ngày 17/3, nhiều Nhà thiết kế đã mang những sản phẩm đầu tiên đến để giới thiệu với các họa sỹ, những ý tưởng, phương pháp thể hiện tác phẩm trên áo dài. Đặc biệt, các Nhà thiết kế đã dành nhiều công sức cho bộ sưu tập áo dài lần này. Họ đã chọn kỹ thuật gia công cầu kỳ và các chất liệu truyền thống, cao cấp và độc đáo để thể hiện các tác phẩm hội họa.
 
Với lực lượng đông đảo của các thế hệ họa sỹ tài năng ở Huế, thì chương trình lần này là bước khời đầu cho những chương trình kết hợp nhằm giới thiệu vẻ đẹp của hội họa Huế trên tà áo dài truyền thống trong những lần sau.
 
Theo Hà Tùng Long - Dân trí
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng