Sáng 19/3, Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ tưởng nhớ 20 năm ngày mất Kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski. Đến dự có bà Barbara Szymanowska, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam; ông Nguyễn Thái Sơn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các KTS đã từng làm việc với Ông Kazimierz trong thời gian dài và đội ngũ cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (tên thường gọi là Kazik) có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa quần thể đi tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn được nằm trong danh sách di sản Thế giới của UNESCO. Kiến trúc sư Kazik đã đột ngột qua đời ngày 19/3/1997 tại Huế trong khi thi công trùng tu công trình Thế Miếu - Đại Nội Huế, di sản mà Kazik sau gần 17 năm làm việc tại Việt Nam với tư cách là nhà bảo tồn là rất lớn.
Từ đầu thập niên 1980, Kiến trúc sư Kazik đã tình nguyện sang Việt Nam khảo sát các di tích khảo cổ tại Mỹ Sơn, đây cũng là nơi ông gắn bó lâu nhất trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam (gần 16 năm). Vào những năm đầu của thập kỷ 90, Kazik và các chuyên gia Ba Lan đã nhiều lần ghé Huế làm việc theo sự kêu gọi của UNESCO đối với các tổ chức quốc tế nhằm khảo sát và đánh giá những thiệt hại của di tích Huế sau chiến tranh. Kazik cùng cộng sự đã dày công nghiên cứu, đo đạc quan trắc tại di tích Huế với những báo cáo chi tiết, nêu rõ sự khác biệt của di tích Huế đối với di sản văn hóa Trung Hoa, đây là những đánh giá quan trọng nhất để Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO xem xét và công nhận Quần thể di tích Huế là Di sản Văn hóa Thế giới.
Bà Barbara Szymanowska, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam phát biểu tại lễ tưởng niệm
Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của Chính phủ Ba Lan, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn di sản. Ba Lan là một trong những quốc gia sớm hỗ trợ công cuộc bảo tồn di sản Cố đô Huế ngay từ khi UNESCO phát động cuộc vận động quốc tế nhằm cứu nguy cho di tích Huế vào năm 1981. Tính từ năm 1996 đến nay, với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Chính phủ Ba Lan, các đối tác và chuyên gia Ba Lan đã tài trợ triển khai nhiều chương trình, dự án bảo tồn, trung tu di sản Huế với tổng giá trị tài trợ hơn 01 triệu đô la Mỹ. Tiêu biểu là một số công trình di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được bảo tồn, trùng tu đạt kết quả cao như: di tích Thế Tổ Miếu - Đại Nội, nhà che bia Khuyến học - Quốc Tử Giám, Nhà Tả Vu, công trình Linh Tinh Môn - Văn Miếu, Bia Thánh đức Thần công và Bi Đình, lăng vua Tự Đức…Song song với hoạt động bảo tồn trùng tu, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lồng ghép các nội dung tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho các cán bộ của các khu di sản tại Việt Nam, tổng cộng có hơn 95 học viên đến từ hơn 10 đơn vị quản lý di sản trên cả nước đã được tham gia các chương trình này.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương phát biểu tại lễ tưởng niệm
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định: Ở thời điểm Việt Nam mới gượng dậy sau chiến tranh, Kiến trúc sư Kazik là một trong những chuyên gia bảo tồn đầu tiên đến, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ trùng tu di tích của Châu Âu cho những di sản miền Trung, đặc biệt là Di sản Quần thể di tích cố đô Huế. Với sự nhiệt huyết, chăm chỉ và gần gũi, ông không ngừng chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm và sức lực của mình để bảo vệ các di sản. Có thể nói rằng, Kiến trúc sư Kazik là một trong những người đầu tiên đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ hợp tác giữa hai đất nước Ba Lan và Việt Nam, cũng như góp phần quảng bá các di sản Văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Dịp này, Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phát hành cuốn sách viết về Kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski. Cuốn sách là tập hợp những kỷ niệm của những người từng làm việc với Kiến trúc sư Kazik và một phần trích đoạn nhật ký của Kiến trúc sư Kazik, khi ông đang làm việc tại Việt Nam. Ngoài phát hành bản giấy, cuốn sách sẽ có cả dạng điện tử bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Ba Lan và đăng tải miễn phí trên trang website của Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam (ảnh trên).
Tại lễ tưởng niệm
Theo www.thuathienhue.gov.vn