Năm 2016, với lí do nhiều hạng mục của ngôi biệt thự cổ đang dần bị xuống cấp, nguy cơ dẫn đến sụp đổ, Công ty Thành Đạt đã có văn bản xin UBND TP Huế cho phép phá dỡ ngôi biệt thự này.
Trước ý kiến đề xuất của Công ty Thành Đạt, Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có cuộc họp bàn với Sở Văn hóa- Thông tin, UBND TP Huế, Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh, Hội Kiến trúc sư, Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh để có những đánh giá khách quan về công trình.
Tại các cuộc họp đa số ý kiến đều cho rằng các đường nét kiến trúc, hoa văn, họa tiết… của ngôi biệt thự mang phong cách kiến trúc Pháp tại Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ 20. Các chuyên gia, các nhà chuyên môn đều có ý kiến nên giữ lại ngôi biệt thự cổ và bảo tồn, sửa chữa lại các hạng mục hư hỏng, nhằm giữ lại một nét đẹp văn hóa cho Huế. Tuy nhiên đến ngày 17/3, Sở xây dựng đã có công văn hướng dẫn tháo dỡ đối với ngôi biệt thự này khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Các chuyên gia, các nhà chuyên môn đều có ý kiến nên giữ lại ngôi biệt thự cổ và bảo tồn, sửa chữa lại các hạng mục hư hỏng, nhằm giữ lại một nét đẹp văn hóa cho Huế nhưng số phận của nó vẫn bị phá bỏ...
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Phùng – Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT tỉnh TT-Huế cho biết, đây có thể xem là một công trình kiến trúc độc đáo, là sự giao thoa giữa kiến trúc Cung đình, nhà rường cổ của Huế với nền kiến trúc đương đại.
Hiện tại, những ngôi biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp như thế này không còn nhiều. Việc chính quyền cho phá bỏ công trình này là vô cùng đáng tiếc, bởi nó khiến các biệt thự Pháp tại Huế ngày một thưa dần, diện mạo Huế vì thế ngày càng thay đổi.
Theo Tổ quốc