Sau một thời gian tổ chức khai quật khảo cổ tại tháp Núi Bút (phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi), các nhà khảo cổ đã phát hiện bộ Linga - Yoni thuộc loại lớn nhất của văn hóa Chăm.
Bộ Linga - Yoni thuộc loại lớn nhất của văn hóa Chăm được phát hiện tại Quảng Ngãi.
Tại khu vực tháp Núi Bút, các nhà khảo cổ đã thực hiện đăng ký số và làm phiếu hiện vật cho 109 hiện vật được phát hiện, đồng thời thu thập gần 2.000 mảnh vỡ hiện vật gồm gạch Chăm, mảnh gốm, sành, sứ.
Tại đây, các nhà khảo cổ đã khai quật được 2 tượng Kinnari mất đầu và một phần cánh, hai đầu tượng Nam thần không nguyên vẹn và đặc biệt là bộ Linga - Yoni có kích thước thuộc vào loại lớn nhất của văn hóa Chăm được phát hiện cho đến nay.
Trong đó, Linga có đường kính 40 cm, cao 43 cm. Yoni dài 168 cm, rộng 124,4 cm, dày 25,5 cm. Đây là bộ Linga - Yoni đầu tiên và duy nhất của hai phong cách chuyển tiếp và Bình Định được phát hiện vì vậy có ý nghĩa quan trọng cả về khoa học và thực tiễn...
Bước đầu các nhà khảo cổ và các nhà nghiên cứu cũng đã xác định, tháp Núi Bút là một trong số rất ít di tích Chăm được các nhà khoa học Việt Nam phát hiện, khai quật và nghiên cứu đến trước cuộc khai quật này chưa có trong danh sách di tích Chăm được thống kê và khảo cứu. Qua so sánh sơ bộ bình đồ cũng như hiện vật với những ngôi tháp đã được xác định phong cách và niên đại, có thể đoán định tháp Núi Bút tại Quảng Ngãi thuộc giai đoạn cuối phong cách chuyển tiếp từ phong cách Mỹ Sơn A1 (thế kỷ thứ X) sang phong cách Bình Định (thế kỷ thứ XII - XIV).
Theo Hà Xuyên - Dân trí