Vợ chồng bác sĩ Phạm Đình Phú - Diệu Mỳ với đồng nghiệp ngày ra mắt cuốn truyện ký Blouse màu lá
Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi viết về ngành quân y từ thời chiến đến thời bình, với những câu chuyện xúc động về tinh thần xả thân xen lẫn những chuyện tiêu cực bi hài mà trên hành trình đặc biệt của mình tác giả đã trực tiếp tham gia, chứng kiến.
Chú mục đồng đi qua chiến trận
Ông vừa bước vào tuổi thất tuần. Ít ai ngờ đằng sau vóc dáng nhỏ con, gương mặt hiền lành phúc hậu, nụ cười thân thiện dưới cặp mắt kính trí thức của Phạm Đình Phú là một tâm hồn đa cảm, một trí tuệ uyên thâm, một tính cách can trường, một nghị lực phi thường không đầu hàng nghịch cảnh.
Tâm hồn đa cảm đã giúp bác sĩ Phạm Đình Phú dễ cảm thông với bệnh nhân và những người bất hạnh, mang lại cho ông nguồn cảm hứng để sáng tác nên những vần thơ nói hộ lòng mình. Trí tuệ uyên bác nhờ ông không ngừng say mê học tập, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thành những đề tài, công trình khoa học có giá trị. Tính cách can trường không chỉ giúp ông đứng vững giữa mưa bom bão đạn chiến trường mà còn đấu tranh không khoan nhượng trước những hiện tượng tiêu cực, bất công trong ngành quân y thời bình. Và nghị lực phi thường đã đưa ông từ cậu bé mồ côi đơn độc, gầy ốm nghèo đói, vượt qua rất nhiều hoàn cảnh nguy nan, éo le để trở thành chuyên gia hàng đầu về bỏng và tạo hình, sĩ quan cao cấp của quân đội, như lời thơ ông tự họa: Chú mục đồng đi qua chiến trận/ Trở về làng: đại tá quân y.
Có thể nói Phạm Đình Phú có một số phận hết sức đặc biệt. Là người con độc nhất của một liệt sĩ chống Pháp ở Sơn Hà, Hương Sơn, Hà Tĩnh, Phạm Đình Phú mồ côi cha lúc mới 6 tuổi, năm 10 tuổi thì phải chia lìa người mẹ bởi bà tái giá. Được bà nội mang về nuôi dạy và đùm bọc giữa làng quê nghèo khổ trong hoàn cảnh chiến tranh, ông sớm có ý thức tự lập, rèn luyện thể lực vốn ốm yếu, cố gắng học hành vươn lên và làm lụng giúp bà nội, tự lo cho chính mình.
Một bước ngoặt lớn với cuộc đời chàng trai Phạm Đình Phú là khi nhận được giấy báo đậu Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966. Vui mừng khôn xiết, ông lại ngậm ngùi tạm biệt bà nội neo đơn khó nhọc và bà con láng giềng để lội bộ 13 ngày từ Hà Tĩnh ra tận thủ đô nhập học. Đời sống sinh viên thời chiến đầy gian khổ, phải sơ tán lên tận rừng núi Thái Nguyên vừa học tập vừa tự tăng gia sản xuất rau xanh, chăn nuôi để cải thiện từng bữa ăn. Trong cuốn Blouse màu lá, ông thuật lại: “Thấp bé nhẹ cân, tác phong nhà quê, giọng nói trọ trẹ, nhưng tôi lại bị giao nhiệm vụ lớp phó đời sống. Tôi ái ngại, rất lo nhưng đâu dám chối từ. Lo ngại vì tầm vóc mình chưa ngang với nhiệm vụ, với môi trường mới lạ, giữa núi rừng bao la, giá lạnh. Tôi cũng muốn dành thời gian học tập, chăm lo sức khỏe, bù lại những thiếu hụt về kiến thức, dưỡng chất trong thời gian dài gian khổ, đạn bom nơi vùng quê nghèo. Nhưng rồi máu anh hùng Xô Viết, lửa lòng tuổi 20 thử sức trước nhiệm vụ mới, môi trường mới, tầm quốc gia. Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Tôi nhận nhiệm vụ, dẫu biết phía trước nhiều gian nan” (trang 53).
Bản lĩnh, tài năng được trui rèn
Thế rồi cũng nhờ “lửa lòng tuổi 20” mà 5 năm sau, ngày 10-1-1972, Phạm Đình Phú lại xuất hiện tại mặt trận Quảng Trị, sau khi hoàn thành chương trình học tập ở Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Đây là một bước ngoặt mới của cuộc đời ông khi gia nhập quân đội. Phạm Đình Phú vinh dự là bác sĩ trẻ đầu tiên có mặt tại chiến trường ác liệt này và cả sau khi Bệnh viện dã chiến 112 thu gọn để chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975. Ông gắn bó với Khoa Chấn thương B1 - Bệnh viện Quân y dã chiến 112 tại Quảng Trị, nơi thường xuyên nằm trong tầm hủy diệt của bom tọa độ địch. Điều đó là sự thử thách bản lĩnh của một bác sĩ trẻ, đồng thời cũng là niềm đam mê, tự hào lớn lao về nghề nghiệp như thơ ông viết: Quân y truyền thống xả thân/ Đường dao mũi kéo - nỏ thần tiến công!
Cuối tháng 2-1979, Phạm Đình Phú lại đột ngột rời Viện Quân y 105 ở Sơn Tây để nhận nhiệm vụ Trưởng khoa Ngoại, Bí thư Chi bộ Liên khoa, Đảng ủy viên Bệnh viện Quân y dã chiến 43 đóng tại vùng đồi An Thượng, Yên Thế, Bắc Giang. Thêm một bước ngoặt nữa đối với người bác sĩ quân y có duyên với chiến trường, mà ở đây là mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc đang diễn ra khốc liệt.
Giống như ở mặt trận Quảng Trị, từ trong khó khăn thử thách của mặt trận biên giới phía Bắc, tài năng và bản lĩnh của bác sĩ Phạm Đình Phú được thể hiện, trui rèn. Nhờ đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến trường, quay trở về làm việc tại Viện Quân y 105 ở Sơn Tây hoặc về sau chuyển công tác vào Viện Quân y 175 ở TPHCM, ông đã thừa nghị lực, can đảm vượt qua những sóng gió bất ngờ ập đến. Đó là ba lần ông hội đủ mọi điều kiện để được tuyển chọn đi tu nghiệp nước ngoài, nhưng cả ba lần đều không được đi vào phút 89 là cuộc đấu tranh tinh thần bền bỉ với những biểu hiệu tiêu cực, kiên trì giành chiến thắng.
Không chỉ có vậy, tập truyện ký Blouse màu lá của Phạm Đình Phú còn đề cập nhiều nội dung khác về gia đình, dòng tộc, quê hương, đồng đội… và đều được thể hiện xúc động dưới ngòi bút chân thành. Đặc biệt trong đó có mối tình tuyệt đẹp của ông với cô quân y sĩ Diệu Mỳ trên mặt trận Quảng Trị được ông miêu tả rất lãng mạn: Yêu nhau nơi chiến trường lửa đạn/ Lễ vật đơn sơ, gìn giữ tới hôm nay/ Bộ quân phục sờn vai trong ngày cưới/ Đôi dép cao su mòn vẹt tháng ngày.
Theo Phan Phú Yên - SGGP Online