Hồi 3 tuổi, mẹ cho tôi cây đàn đồ chơi; rồi mẹ khuyến khích tôi học đàn, nếu tôi chăm chỉ luyện tập tốt, mẹ sẽ cho tôi kẹo, bánh...”. Lên 6 tuổi, Fumiaki Miura may mắn được theo học chính thầy giáo dạy violon của bố mẹ mình. Kiên trì 10 năm, nhờ sự động viên, ủng hộ từ thầy giáo và gia đình, anh bắt đầu chơi ở các buổi hòa nhạc, tạo nên dấu ấn cá nhân.
Sau thành công năm 2009, khi mới 16 tuổi, anh tới Vienna theo học nhạc. Vì còn quá trẻ, mỗi khi nhận được lời mời tham gia ở các chương trình hòa nhạc lớn, anh luôn hỏi thầy giáo nếu tham dự thì nên làm gì, tránh làm gì. Dần dần, bản thân anh tự rút kinh nghiệm và trưởng thành hơn.
Nói về lý do tại sao anh chọn mang nhiều tác phẩm tới trình diễn tại “Chương trình hòa nhạc Hennessy lần thứ 21”, Fumiaki Miura bày tỏ mong muốn tạo ra sự đa dạng. Theo anh, “một bữa tiệc sẽ trọn vẹn hơn khi có nhiều món ăn”. Lần đầu tiên cùng cộng sự của mình, nghệ sĩ Akira Eguchi, biểu diễn tại Việt Nam, Miura chọn 4 tác phẩm của các nhà soạn nhạc là Antonín Leopold Dvorák, Mozart, Igor Stravinsky và Beethoven.
Nghệ sĩ piano Akira Eguchi
Sự khác biệt của cây dương cầm huyền thoại
Bà Katherine Chu - cố vấn nghệ thuật chương trình hòa nhạc Hennessy cho biết: “Trong vài năm trở lại đây, âm nhạc xuất hiện cả một ngành mới, là khi piano làm bè hỗ trợ cho một nhạc cụ khác, làm bè hài hòa, không xâm lấn và không làm ảnh hưởng tới tổng thể piano và nhạc cụ khác. Đó chính là cách thức chúng tôi giới thiệu trong buổi hòa nhạc Hennessy lần này”.
Nghệ sĩ piano Akira Eguchi quan điểm: “Có rất nhiều nghệ sĩ piano nếu bị coi là nghệ sĩ bè hỗ trợ sẽ lấy làm tự ái và không thích, nhưng tôi lại lấy làm tự hào khi làm bè, đệm cho các nghệ sĩ khác”. Theo anh, điều cần thiết nhất là sự kết hợp và sự hài hòa. Anh rất thích chơi nhạc với các đồng nghiệp, đặc biệt khi đó lại là Fumiaki Miura, người có quan hệ “gắn bó vô cùng khăng khít”: Akira Eguchi là bạn của cha Fumiaki Miura, còn vị hôn thê của Miura lại chính là học trò của Akira Eguchi.
Một điều thú vị nữa là việc nghệ sĩ dương cầm Akira Eguchi dùng cây đàn huyền thoại New York Steinway model “CD75” từ năm 1912 của nghệ sĩ bậc thầy Horowitz. “Tôi thực sự có duyên khi gặp được người trưng bày cây đàn này và được lựa chọn để chơi nó. Tôi có cảm giác như cây đàn cũng có linh hồn, nó hoàn toàn không dễ chơi và rất khác biệt với những cây đàn khác”, Eguchi cho biết. Cây đàn này từng được nghệ sĩ bậc thầy Horowitz sử dụng trong các buổi hòa nhạc của ông từ cuối thập niên 1970, hiện thuộc sở hữu của hãng Takagi Klavier tại Tokyo.
“Qua sự kiện này, công chúng sẽ thấy được các nghệ sĩ của châu Á tiến lên phía trước, trở thành một lực lượng được công nhận trên các sân khấu của âm nhạc phương Tây”, bà Katherine Chu khẳng định. Hennessy đã chứng minh âm nhạc không phải là tài sản riêng của một dân tộc, nền văn hóa hay riêng một quốc gia nào mà là tài sản chung của toàn nhân loại. Chương trình Hòa nhạc Hennessy lần thứ 21 đầy sáng tạo, ngẫu hứng, đã làm tốt vai trò bảo tồn của những truyền thống âm nhạc, nuôi dưỡng niềm đam mê với âm nhạc. Ông Pau Auriol - Giám đốc điều hành Moet Hennessy Việt Nam hứng khởi: “Trong những năm tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều sự kiện hơn nữa, mời nhiều hơn nữa nghệ sĩ quốc tế đến với Việt Nam”.
Theo An ninh Thủ đô