Tin văn nghệ
Trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung”
09:57 | 12/06/2017

Sáng 9-6, tại Bảo tàng Mỹ Sơn, diễn ra lễ khai mạc trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung”. 

Trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung”
Lễ cắt băng khai mạc trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung”.
Dự lễ khai mạc có đồng chí Trần Đình Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, UBND huyện Duy Xuyên, các em học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Thanh (xã Duy Phú, Duy Xuyên, Quảng Nam). Trưng bày diễn ra từ ngày 9 đến 14-6-2017, trong chuỗi sự kiện Festival Di sản văn hóa Quảng Nam – 2017.
 
Tại không gian trưng bày trước bảo tàng, nơi trải nghiệm tham quan trước khi vào di tích, đã giới thiệu đến du khách về tổng thể các di tích Chăm tại miền Trung Việt Nam với hệ thống các Pano trưng bày cùng hình ảnh về các công trình kiến trúc, nghi thức lễ hội của cộng đồng dân tộc Chăm hiện nay. Hệ thống các phiên bản hiện vật có giá trị như Siva sóng nước, bệ thờ Triền Tranh… Đặc biệt là sa bàn các khu vực phân bố tháp Chăm tại các tỉnh miền Trung.
 
Trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung” ảnh 1
 
Trên thực địa Di sản văn hoá Mỹ Sơn, thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy loàng của văn hoá-kiến trúc Chăm Pa cũng như của Đông Nam Á.
 
Qua các hình ảnh và tư liệu trưng bày cho thấy, kiến trúc đền tháp Chăm vẫn hiển hiện tồn tại ở mọi địa hình khác nhau trên dải đất miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam hình thành chuỗi tháp Chăm độc đáo. Trong đó, tiêu biểu như tháp Mỹ Khánh ở (Huế). Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) tọa lạc trong một thung lũng kín đáo có núi bao bọc; tháp Đồng Dương nằm giữa cánh đồng; hoặc trên những ngọn đồi ven sông như nhóm tháp Bánh Ít, tháp Bạc, tháp Nhạn; hoặc trên sườn núi như nhóm tháp Pô Đam. Cũng có những ngôi tháp nằm trên những ngọn đồi biệt lập như tháp Phú Lộc, Pô Klông Garai, Pô Rômê.....

Trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung” ảnh 2
Thánh địa Mỹ Sơn

Dân tộc thiểu số Chăm có khoảng 100.000 dân, xếp thứ 17 trong 54 thành phần tộc người nước ta; sống tập trung đông nhất ở 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và An Giang. Ngoài ra, họ còn cư trú một phần ở các tỉnh từ Nam Trung bộ đến Ðông và Tây Nam bộ. Hiện nay người Chăm còn sống rải rác ở nhiều nước khác như Campuchia, Thái Lan, Malaysia… Người Chăm luôn tự hào về những ngôi tháp Chăm-pa cổ kính xây dựng bằng đất nung độc đáo. Hình ảnh vũ nữ Chăm-pa cổ xưa đã được chạm khắc vào các đền tháp, trong đó bức phù điêu Vũ nữ Trà Kiệu là một trong những tuyệt tác.

Trưng bày “Chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung” ảnh 3
Múa quạt - Điệu múa phổ thông của người Chăm

Các nghệ nhân Chăm đã sáng tác những điệu múa đặc sắc như múa chàm rông, múa đoa pụ (đội bình nước trên đầu). Múa quạt là điệu múa phổ thông của người Chăm. Múa bóng mang tính tôn giáo và cũng rất phổ biến của người Chăm. Người Chăm có nhiều lễ hội trong năm, như hội Rija, Roya, Ramadan, lễ Pơk Băng Yang, lễ Katê… Trong đó, lễ hội Katê là một trong những lễ hội lớn nhất của người Chăm được tổ chức trung tuần tháng 9 (âm lịch)  để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc và ông bà tổ tiên. Nghề truyền thống khác của người Chăm là nghề  dệt Thổ cẩm, làm đồ gốm…

Theo Ngọc Phúc - SGGP Online

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng