Tin văn nghệ
Chuyện cũ dưới góc nhìn mới
08:52 | 15/06/2017

Trong hành trình giới nghiên cứu tìm những giá trị quá khứ của văn học trung đại Việt Nam, nhìn từ góc nhìn hiện đại, đôi khi, cần lắm những góc nhìn rất khác nhằm nhận diện một cách đa chiều, đa diện những vấn đề tưởng chừng đã cũ, đã mặc định. Bài viết này giới thiệu hai trong số nhiều công trình nghiên cứu mang lại những sắc màu như thế.

Chuyện cũ dưới góc nhìn mới
Nói thay trinh tiết người xưa
 
Như thể một động thái khiêu khích sự đọc, chuyên khảo “Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỉ X-XIX”, ngay từ nhan đề, đã cho thấy sự tinh tế trong cách đặt vấn đề của tác giả Phạm Văn Hưng.
 
Dựa trên một tín niệm khởi đi từ câu nói nổi tiếng của nhà văn, nhà triết học nữ quyền người Pháp Simone de Beauvoir (1908-1986): “Người ta sinh ra không phải là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ”, chuyên khảo đã đi sâu lý giải nguyên nhân, trình bày cặn kẽ diễn tiến về cách nhìn của người đời xưa đối với sự tiết hạnh của phụ nữ bằng những lý luận nhân sinh sắc sảo cùng những dẫn chứng sử liệu, văn liệu công phu, xác thực.
 
Chuyên khảo không chỉ hữu ích trong việc phục dựng lại tâm thế của người xưa trong cách nhìn về trinh tiết của phụ nữ được quy hạn bởi hệ thống triết học thực hành đạo đức dung hợp tôn giáo - chính trị - luân lý của Nho giáo thời kỳ trung đại mà xa hơn, và quan trọng hơn, còn có giá trị tham khảo cũng như gợi ý giải quyết những ảnh hưởng của cách nhìn đó trong bối cảnh những dấu vết định kiến vẫn còn tồn tại nơi xã hội Việt Nam hiện đại. Theo nghĩa này, tác phẩm không chỉ có giá trị khoa học mà còn có giá trị thực tiễn cao.
 
Nàng Kiều từ lịch sử đến văn chương-một diễn tiến được phục dựng
 
“Với những người đọc sách, luôn có một số tác phẩm nào đấy gắn bó với họ như số phận. Tôi tìm đến luận án của Charles Benoit từ hơn hai mươi năm trước và không rời nó được từ đó đến nay. Dường như cũng là cơ duyên khi tôi được học với giáo sư Patrick Dewes Hanan (1927-2014) - một trong những nhà Hán học hàng đầu thế giới chuyên về tiểu thuyết Trung Hoa và cũng là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của Charles Benoit... Cả hai thầy trò đều mong mỏi một ngày nào đó công trình xuất sắc này sẽ được dịch sang tiếng Việt”. Đó là những lời mở đầu của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam (Trường Đại học KHXHNV- ĐHQG TP.HCM) cho bản dịch của ông (cùng với các đồng dịch giả: Trần Hải Yến, Nguyễn Đào Nguyên, Mai Thu Huyền) về quyển Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều: Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam. Bản gốc tiếng Anh của công trình này chính là luận án tiến sỹ của Charles Benoit bảo vệ tại Đại học Harvard năm 1981 với nhan đề The Evolution of the Wang Cuiqiao Tale: From Historical Event in China to Literary Masterpiece in Vietnam.
 
Có thể nói, công trình là hành trình đầy gian nan và công phu của Charles Benoit nhằm phục dựng một cách chân thực, sống động nhất có thể về diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều đi từ lịch sử đến văn chương. Trong khi đó, bản dịch Việt ngữ cũng là một hành trình đầy công phu và gian nan không kém khi các dịch giả phải dày công tìm kiếm tài liệu liên quan và các từ ngữ dịch phù hợp.
 
Phương thức đề xuất và triển khai vấn đề của công trình là một cách nhìn mới, một hướng triển khai mới không chỉ trong việc tiếp cận tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du mà còn mang tính gợi mở đối với các tác phẩm văn chương Việt Nam khác lấy bối cảnh, tình tiết của lịch sử để hư cấu thành văn chương. Một công trình đáng quý và đáng đọc.
 
Theo Trần Xuân Tiến - Tổ quốc
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng