Tin văn nghệ
Tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
08:50 | 05/07/2017

Từ ngày 24 đến 30/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017).

Tổ chức Tuần phim kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
Một cảnh trong phim "Mắt biển".
Đây là hoạt động do Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Điện ảnh Quân đội Nhân dân... phối hợp tổ chức. Theo đó, lễ khai mạc Tuần phim sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh Phú Thọ vào tối 24/7.
 
Hai bộ phim được chọn trình chiếu khai mạc là: “Mắt biển”, đạo diễn Đặng Thái Huyền (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất) và bộ phim tài liệu “Ta còn gửi lửa trong than”, đạo diễn Phan Minh Sơn (Công ty Cổ phần phim Giải Phóng sản xuất). Ngoài ra, hai phim tài liệu khác được chọn chiếu trong Tuần phim là phim “K10”, đạo diễn Vương Khánh Luông (Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương sản xuất), “Tầng sâu bình yên”, đạo diễn Phạm Hồng Thắng (Điện ảnh Quân đội Nhân dân sản xuất).
 
Bộ phim “Mắt biển” là câu chuyện tình yêu thời chiến éo le giữa Ngân, Thành và Vỹ. Ngân yêu Thành nhưng bố cô lại gả cho Vỹ vì hai gia đình đã có lời ước hẹn từ xưa, khi họ còn là đồng đội ở chiến trường lúc trẻ. Dù đã là vợ Vỹ nhưng trái tim Ngân vẫn khắc khoải tình yêu dành cho Thành. Vỹ và Thành cùng ra trận một ngày. Hết chiến tranh, ngày Vỹ trở về trong sự vui mừng của gia đình và làng xóm cũng là lúc gia đình Thành nhận được giấy báo tử. Vỹ nhận ra tình cảm mãnh liệt của Ngân chỉ dành hết cho người đã mất, nên đã “giải phóng” cho Ngân. Còn Ngân, cô vẫn yêu và tin rằng có ngày Thành sẽ trở về.
 
Bộ phim “Ta còn gửi lửa trong than” nói về ông Lâm Văn Bảng - cựu tù binh trong nhà tù Mỹ ngụy ở Phú Quốc - đã cất công lặn lội từ Bắc vào Nam sưu tầm, thu thập những kỷ vật về đồng đội cùng bị tù đày để lập ra bảo tàng tư nhân duy nhất ở Việt Nam về các cựu tù binh. Bảo tàng góp phần lưu giữ những bằng chứng làm xúc động lòng người về sự hi sinh to lớn của các chiến sĩ “gan vàng dạ thép”.
 
Bộ phim “K10” kể về những người lính tiểu đoàn 10 đặc công Quảng Trị (1964-1976) đã chiến đấu và hi sinh oanh liệt trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đơn vị của họ đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
 
Bộ phim “Tầng sâu bình yên” là câu chuyện về những người cựu chiến binh hàng chục năm lặn lội tìm lại đồng đội đã hi sinh để đón các liệt sĩ về yên nghỉ trên mảnh đất quê hương.
 
Trong khuôn khổ Tuần phim, Cục Điện ảnh tổ chức in ấn phim trình chiếu rộng rãi cho các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị chiếu bóng lưu động; tổ chức các hoạt động giao lưu giữa các đoàn làm phim gồm tác giả, đạo diễn, diễn viên của phim truyện “Mắt biển”, các phim tài liệu “K10”, “Ta còn gửi lửa trong than”, “Tầng sâu bình yên”; tổ chức các buổi giao lưu với khán giả hâm mộ, cán bộ, thương, bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 (Sư đoàn 316, Quân khu II).
 
Cũng trong dịp này, các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trung tâm Điện ảnh tiếp tục khai thác để phục vụ nhân dân nhiều bộ phim khác như: “Chớp mắt cùng số phận”, “Mùa thu không cô đơn”, “Nhà tiên tri”, “Thầu Chín ở Xiêm”, “Đường xuyên rừng”, “Những đứa con của làng”, “Trên đỉnh bình yên”, “Nhìn ra biển cả”, “Giải phóng Sài Gòn”, “Những người viết huyền thoại”, “Sống cùng lịch sử”, “Hà Nội mùa đông năm 46”, “Mùi cỏ cháy”, “Đường thư”, “Đừng đốt”, “Ngã ba Đồng Lộc”, “Vào Nam ra Bắc”; một số phim tài liệu như: “Đỉnh cao chiến thắng”, “70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng”, “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, “Bác Hồ với nông dân”, “Đường tới độc lập, tự do”, “Ngày cuối cùng của chiến tranh”, “Điện Biên Phủ”, “Địa chấn ở Điện Biên Phủ”, “Hồi ức Điện Biên”…
 
Theo Nguyễn Hằng - Dân trí
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng