Những tấm gương hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sỹ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc được tái hiện ở nội dung trưng bày thứ hai: “Thép nơi ngục lửa”. “Thép nơi ngục lửa” được chia thành 2 chủ đề: “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” và “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”.
Phần trưng bày “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng” kể về những chiến sỹ cách mạng kiên cường luôn đi đầu trong các phong trào đấu tranh như: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu… Mặc dù bị kẻ địch bắt, giam ở những nơi “địa ngục trần gian” như: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo… cùng với nhiều hình thức tra tấn, đọa đày nhưng những người con trung hiếu vẫn kiên tâm, bền chí, vững niềm tin vào lý tưởng cách mạng.
“Bản tình ca thời lửa cháy” được khai thác để thể hiện trong phần trưng bày: “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Chiến tranh cũng là nguyên nhân của những cuộc chia ly trong tình yêu đôi lứa. Nhớ nhung, đợi chờ, dồn nén nhưng khi được gặp nhau, những chiến sĩ cách mạng kiên trung phải nuốt tận đáy lòng tình cảm ấy. Trong những ngày tháng chia xa, dù chẳng được một lần đứng gần nhau, không được chạm vào tay nhau, cũng không có cơ hội được nói lời yêu thương nhưng trong trái tim mỗi người, bên cạnh tình yêu bao la cho Tổ quốc còn có hình bóng của người yêu thương.
Mỗi pano là câu chuyện tình yêu của đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai; Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái; Hoàng Văn Thụ và Phạm Thị Vân; Nguyễn Văn Trỗi và Phan Thị Quyên. Hình ảnh của họ được lồng trong hình trái tim không trọn vẹn bởi vì chiến tranh, họ chẳng thể đi cùng nhau đến hết cuộc đời.
Những hình ảnh về tấm gương anh hùng, liệt sĩ hy sinh thân mình vì quê hương, đất nước được giới thiệu tại Trưng bày
Như câu chuyện tình yêu của anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Phan Thị Quyên: “Nên duyên chồng vợ chỉ được 19 ngày rồi chia xa mãi mãi. Vì tình yêu Tổ quốc, Nguyễn Văn Trỗi đã đặt tình cảm gia đình sang một bên, xung phong nhận nhiệm vụ ám sát Mac Namara - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ. Sự việc bất thành, anh sa vào tay giặc, vài ngày sau người vợ trẻ cũng bị địch bắt giam. Ba lần gặp nhau vội vã trong trại giam, ba lần họ nén ngược nước mắt vào trong để dành tình yêu cho cách mạng”.
“Còn mãi tuổi 20” khép lại phần trưng bày “Thép nơi ngục lửa”. Tuổi thanh xuân, quãng thời gian đẹp nhất của đời của các anh, chị: Lý Tự Trọng, Nguyễn Hoàng Tôn, Võ Thị Sáu, Phạm Hướng đều hi sinh cho lý tưởng đã chọn.
Nội dung cuối cùng của trưng bày “Nặng nghĩa tri ân, tình người thắm đượm” thể hiện tấm lòng của nhân dân Việt Nam tới các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu gian khổ và bất khuất hy sinh./.
Theo Hồng Hà - Tổ quốc