Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Có thể nói, việc phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là một cột mốc quan trọng. Bởi nó không chỉ là kim chỉ nam cho quá trình thực hiện mà còn là động lực cho toàn xã hội phấn đấu, nỗ lực nâng cao tri thức.
Thông qua Đề án, mọi người dân từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đều được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận và khai thác thông tin trên sách, báo. Từ đó, người dân sẽ được đọc sách nhiều hơn để tích lũy tri thức, trau dồi đạo đức, kỹ năng, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
2. Ngày Hội Sách 2017
Ngày Hội Sách 2017 với chủ đề “Sách - Tri thức và phát triển xã hội” khai mạc tại Thư viện Quốc gia vào sáng 20/4.
Ngày Hội Sách 2017 đã diễn ra với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng, mang ý nghĩa xã hội và giáo dục cao như: Triển lãm tư liệu “Sách - Tri thức và phát triển xã hội”; Giao lưu tác giả - tác phẩm; Thi vẽ tranh theo sách với chủ đề “Văn minh đô thị”; Thi kể chuyện theo sách bằng tiếng Việt và tiếng Anh theo chủ đề về Lịch sử, văn hoá - văn học Việt Nam và thế giới; Thi nhận diện tác giả, tác phẩm; Tiếp nhận tài trợ từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Hội chợ sách. Đặc biệt, Hội sách còn trưng bày 50 bức tranh của các cháu thiếu nhi đạt giải tại cuộc thi vẽ tranh trong Ngày Hội Sách 3 năm gần đây.
Một hoạt động được tổ chức tại Ngày Hội Sách 2017.
Ngày hội tiếp tục khẳng định những giá trị to lớn của việc đọc sách, cổ vũ, thúc đẩy văn hóa đọc; tôn vinh các tác giả, tác phẩm đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển xã hội; tôn vinh những người làm công tác sưu tầm, xuất bản, in, phát hành, lưu trữ và quảng bá sách”.
Thông qua Ngày Hội Sách 2017, Ban tổ chức mong muốn phát đi một thông điệp tới công chúng và đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi: Hãy quý trọng sách và đọc sách mỗi ngày; hãy đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, coi việc đọc sách là một công việc cần thiết. Hãy rèn luyện thói quen đọc sách - một phương cách để thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu; đồng thời chọn sách là người bạn đồng hành trên con đường hướng đến thành công của các bạn.
3. Phố Sách Hà Nội đi vào hoạt động
Phố Sách Hà Nội chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/5/2017. Ngay từ những ngày đầu khai trương, địa điểm này đã trở thành điểm đến hấp dẫn, có sức thu hút đặc biệt với khán giả thủ đô.
Không gian bên trong nhà sách tại Phố Sách Hà Nội.
Cùng với các hoạt động mua bán sách, độc giả còn có nhiều cơ hội được tham gia rất nhiều sự kiện liên quan như: các hoạt động giao lưu, tọa đàm, giới thiệu sách, ký tặng sách... được tổ chức thường xuyên hoặc những ngày cuối tuần, ngày lễ; triển lãm sách theo chuyên đề gắn với những ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn (Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và Bản quyền thế giới, Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Ngày Quốc tế Phụ nữ, khai giảng năm học mới...); xây dựng mô hình Cây Sách công cộng để bạn đọc có thể tự trao đổi sách; ….
Với nhiều hoạt động về sách, Phố Sách Hà Nội sẽ là một địa điểm lý tưởng để công chúng thủ đô tới tham quan. Sự ủng hộ của khán giả trong những ngày qua cũng chính là động lực to lớn để chính quyền thành phố và các nhà xuất bản, các công ty sách nỗ lực để tiếp tục phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của Phố Sách.
4. Ngày hội “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”
Ngày 19/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh đã diễn ra Ngày hội “Đọc và học tập suốt đời theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”.
Ngày Hội đã diễn ra với nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa, mang tính xã hội và giáo dục cao như: Hoạt động trưng bày, triển lãm sách, báo, tư liệu về nội dung về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh; Cuộc thi xếp sách nghệ thuật với các mô hình thể hiện các chủ đề về quê hương, đất nước và Bác Hồ kính yêu; Chương trình thiếu nhi kể chuyện theo sách “Chúng em đọc và chia sẻ”; Cuộc thi vẽ tranh và thi viết cảm nhận với chủ đề “Chúng em đọc, chúng em viết, chúng em vẽ” và góc đọc sách dành cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện; Chương trình tọa đàm, giao lưu tác giả, tác phẩm “Những tấm gương ham đọc sách và tự học thời đại Hồ Chí Minh” với các diễn giả: TS Mai Liêm Trực, nhà thơ Trần Đăng Khoa và tác giả- TS. Vũ Dương Thúy Ngà...
Nhiều hoạt động thiết thực tổ chức trong Ngày hội.
Các hoạt động trong Ngày hội đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía công chúng và khán giả tham dự. Qua đó, Ngày hội đã lan tỏa rộng rãi phong trào đọc sách trong cộng đồng, làm cho văn hóa đọc và văn hóa tự học trở thành một nét đẹp trong lối sống của con người Việt Nam hiện đại, góp phần xây dựng xã hội học tập, thực hiện tâm nguyện của Bác Hồ: “xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng, to đẹp, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
5. Hội nghị tổng kết hoạt động thư viện cấp huyện, xã ở Việt Nam giai đoạn 2011-2016
Hội nghị tổng kết hoạt động thư viện cấp huyện, xã ở Việt Nam giai đoạn 2011-2016 và Hội thảo “Thư viện cấp huyện, cấp xã - Thực trạng hoạt động và mô hình quản lý” diễn ra vào sáng 15/6 tại Hà Nội.
Trong Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số nội dung như: Mô hình tối ưu cho hoạt động và quản lý thư viện cấp huyện, cấp xã; Vai trò của thư viện cấp tỉnh trong duy trì và phát triển thư viện cấp huyện và cấp xã; Tiêu chí và tiêu chuẩn đối với thư viện cấp xã…