Có cả một “thế hệ vàng” gồm những tác giả xuất sắc của ngành sân khấu Sài Gòn từ sau năm 1954 đến 1975 như: Hà Triều, Hoa Phượng, Hoa Lư, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Mai Quân, Hoàng Khâm, Yên Lang, Trần Hà, Phi Hùng…
Đến sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM lại có một thế hệ tác giả cách mạng vùng giải phóng miền Nam và ở miền Bắc về cùng một số tác giả trưởng thành tại chỗ như: Phạm Ngọc Truyền, Nguyên Vũ (Ngô Y Linh), Hoàng Yến, Dương Linh, Huỳnh Minh Nhị, Minh Khoa, Lê Duy Hạnh, Hùng Tấn, Huy Lam, Thiết Vũ, Ngọc Linh, Huy Trường, Điêu Huyền, Trương Huyền, Đinh Bằng Phi, Trương Bỉnh Tòng, Trương Quốc Khánh và một số soạn giả khác. Điều đáng tiếc cũng là một tổn thất lớn cho ngành sân khấu thành phố sau giải phóng, hai thập niên cuối thế kỷ 20, một số tác giả tên tuổi lần lượt ra đi như: Phạm Ngọc Truyền, Hà Triều, Hoa Phượng, Hoa Lư, Ngô Y Linh, Thiết Vũ, Hoàng Khâm, Hoàng Yến, Trương Quốc Khánh, Trương Bỉnh Tòng… Sang hai thập niên đầu thế kỷ 21, lại thêm một số soạn giả ra đi tiếp là: Huy Trường, Ngọc Linh, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Hùng Tấn, Phi Hùng, Mai Quân, Trần Hà, Yên Lang.
So với các tác giả kịch bản sân khấu (kịch nói và cải lương) “thế hệ vàng” trước và sau này, Ngọc Linh được những người yêu mến sân khấu thành phố sau ngày giải phóng đánh giá là người nổi bật, có cống hiến lớn về kịch nói cũng như cải lương. Chùm kịch về Ngôi nhà không có đàn ông, Ngôi nhà không có đàn bà, Ngôi nhà của chúng ta của tác giả Ngọc Linh một thời được khán giả yêu thích, đánh giá cao. Trong lĩnh vực cải lương, anh có những vở như Muôn dặm vì chồng, Chiến thắng Rạch Gầm, Khúc hát đoạn tình; về đề tài lịch sử cũng được khán giả nồng nhiệt ủng hộ. Sau Ngọc Linh, sân khấu cải lương thành phố ít có vở nào được dư luận đặc biệt chú ý, dù có vở được dàn dựng hoành tráng với nhiều loại hình nghệ thuật đan xen (xiếc, múa) và rất đông nghệ sĩ tham gia. Chợt nhớ câu nói vui của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Vở kịch lớn không phải do đông người” sau khi ông xem vở kịch Chiến thắng Điện Biên năm 1984, có đến 250 diễn viên tham gia ở Nhà hát lớn Hà Nội.
Trong lúc sức sáng tạo của Ngọc Linh đang độ rực rỡ thì anh lại đột ngột ra đi, để lại một khoảng trống lớn trên sân khấu TPHCM mà cho đến nay chưa có tác giả nào san lấp nổi. Thật đáng buồn và đáng tiếc. Với những sáng kiến về sân khấu kể trên, vừa qua Ngọc Linh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2006.
Để tưởng nhớ nhà văn Ngọc Linh, ngày 25-6 vừa qua, Đài Truyền hình TPHCM đã tổ chức Chương trình Vầng trăng cổ nhạc lần thứ 191, chủ đề Nhớ người đất Mũi, tại Nhà hát Đài truyền hình TP, truyền trực tiếp trên kênh HTV9. Đêm cổ nhạc rất thành công khi các văn nghệ sĩ cùng góp nhặt những kỷ niệm và những thành công về tâm huyết của một người nghệ sĩ tài hoa cùng những thành tựu ông để lại cho cuộc đời.
Gần đây, tôi được biết có người đang thu thập thông tin để làm luận văn thạc sĩ: “Những đóng góp của Ngọc Linh về thể loại tiểu thuyết”. Hy vọng sau này sẽ có người yêu mến sân khấu sẽ làm luận văn thạc sĩ hay luận án tiến sĩ về sự nghiệp sân khấu của Ngọc Linh. Những thành tựu nổi bật của anh qua những vở kịch và cải lương trong một thời gian không dài, nhưng rất xứng đáng được nghiên cứu đưa vào các công trình khoa học kể trên. Đó cũng là cách tốt nhất để tưởng nhớ Ngọc Linh khi anh đã đi xa.
Theo Dương Linh - SGGP Online