Tin văn nghệ
Nhà văn Nam Hà: “Ta hát mãi bài ca đất nước”
09:00 | 20/07/2017

Nhà văn Nam Hà vừa trải qua một trận tai biến thứ ba, lần này, ông bị nặng hơn, đi lại không vững và sức khỏe suy giảm rõ rệt. Ở tuổi 83, trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, người thương binh ấy vẫn kiên cường chống chọi những cơn đau nhức mỗi khi trở trời vì mảnh đạn vẫn còn nằm lại trong thân thể ông.

Nhà văn Nam Hà: “Ta hát mãi bài ca đất nước”
Nhà văn Nam Hà và vợ.
Điều đặc biệt may mắn, là dù sức khỏe yếu và đi lại khó khăn, song trí nhớ của ông vẫn cực kỳ minh mẫn, ông nhớ tất cả mọi trận đánh, những trận địa đã đi qua. Ông nhớ bè bạn, nhớ đồng đội, nhớ cả những người dân đã nuôi ông trong những năm tháng bom rơi, máu chảy.
 
Và giữa thời bình, người thương binh nhà văn ấy, đã ghi lại tất cả những năm tháng hào hùng của dân tộc như là một phần đời quan trọng nhất của hành trình cuộc sống bằng hàng nghìn trang tiểu thuyết, hàng chục cuốn sách đậm nét sử thi anh hùng cách mạng, để cho những thế hệ mai sau, đọc lên, vẫn thấy quặn sóng giữa thời bình...
 
1.Nhà văn Nam Hà tên thật là Nguyễn Anh Công, sinh năm 1935 tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông là một trong những nhà văn đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, đã vào sinh ra tử cùng mảnh đất miền Đông Nam bộ để viết nên những trang sử thi hùng tráng.
 
Ngày xưa, trước khi biết đến và được gặp ông, tôi đã thuộc làu bài thơ "Chúng con chiến đấu", mà một đoạn văn đã được trích đưa vào sách giáo khoa, từng làm đề thi cho nhiều thế hệ học sinh phân tích, cảm nhận.
 
Bài thơ như một khúc ca hào hùng về một thế hệ người ra trận và về thời đại anh hùng của dân tộc Việt Nam: "Đất nước/ Bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian/ Sừng sững dưới trời, anh dũng hiên ngang/ Đất nước/ Của những câu chuyện đều làm ta rưng rưng nước mắt/ Đã trở thành những bài ca không bao giờ tắt/ Trên mỗi con đường, mỗi thôn xóm ta qua...".
 
Bây giờ, khi hỏi về bài thơ, nhà văn Nam Hà vẫn thuộc làu làu không sót một câu, dù giọng đọc của ông có khi lạc đi vì di chứng của trận tai biến. Tôi hỏi ông về sự ra đời của bài thơ, ông chia sẻ: Đầu năm 1964, đang làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội, ông được điều vào Nam đóng quân tại khu 6, miền Đông Nam bộ, một chiến trường thiếu thốn và cực kỳ gian khổ.
 
Ông viết bài thơ này cùng năm 1964 khi đang cùng đồng đội hành quân trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Ông và bao nhiêu đồng đội đang đi vào nơi ác liệt, nhiều gian khổ, hy sinh nhất. Tự nhiên trong tâm trí ông, lịch sử dân tộc hiện lên đậm nét, ông đã viết liền một mạch bài thơ như nhịp hành khúc của người lính nhưng rồi bài thơ bị bỏ dở đến tháng 6 năm 1966, ông tham gia một trận đánh ở Bình Thuận.
 
Trận này địch đông hơn ta nhiều lần, nhưng đơn vị ông thắng trận. Các chiến sĩ mặt mày nhem nhuốc, quần áo tơi tả như thể vừa ở trong đám cháy chạy ra vậy mà, ai cũng tươi cười, mặt mày rạng rỡ, anh em "khỏa thân" nhảy ngay xuống suối tắm, nhà văn Nam Hà ngồi trên nhìn, ông tựa lưng vào gốc cây đa trên bờ làm tiếp bài thơ dở dang 2 năm trước trong niềm vui còn vương khói súng.
 
Ông đã viết liền một mạch hoàn thành bài thơ. Cả bài gồm 54 câu, 10 khổ, chỉ sửa có 2 từ sau 3 năm trời thai nghén. Ông nhờ cơ quan TTX Việt Nam khu 6 đánh tê-lê-típ gửi ra Bắc. Bài thơ sau đó được được đăng trên Báo Nhân dân và được nghệ sĩ Linh Nhâm ngâm trong chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Giây phút ấy, ông như đi trong mây, vì quá sung sướng. Bài thơ ngay sau đó đã được các anh lính đọc thuộc làu.
 
Bài thơ cũng đã mang lại cho ông nhiều niềm vui và kỷ niệm. Nhà văn Nam Hà kể lại: "Bài thơ viết cho thế hệ thanh niên thời chống Mỹ, tôi khái quát lịch sử và truyền thống, vẻ đẹp của đất nước bằng những đoạn thơ giản dị, đẹp và sâu sắc, đi thẳng vào tình cảm của người lính, vì vậy bài thơ đã được coi là bài thơ của thời chống Mỹ, cả những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong các chuồng cọp Côn Đảo cũng thuộc.
 
Nhiều năm sau chiến tranh tôi nhận được nhiều thư ở nhiều nơi trong cả nước yêu cầu tôi chép bài thơ, có chữ ký của tôi để tặng họ. Đó là kỷ niệm sâu sắc và đẹp đẽ trong đời viết văn của tôi...
 

Nhà văn Nam Hà.
 
Một kỷ niệm khác cũng đáng nhớ, vào những năm 80 của thời bao cấp thế kỷ trước, tôi xếp hàng mua vé ở bến xe Vinh đi Hà Nội. Tôi vì là thương binh nên được ưu tiên mua vé trước. Cô nhân viên bán vé xướng tên: "Nam Hà". Mọi người  ồ lên: "Nam Hà, nhà thơ phải không?" Tôi bảo "Vâng!". "Đọc cho chúng tôi nghe bài thơ "Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi!” đi". Thế là cả đoàn người xếp hàng mua vé đã quây lại nghe tôi đọc thơ, vỗ tay. Có anh lính còn bảo chính vì bài thơ này mà anh hăng hái lên đường tòng quân đánh Mỹ. Ông như lạc giữa một niềm hạnh phúc lớn lao, vô giá.
 
2.Nhà văn Nam Hà có lẽ là một trong số ít các nhà văn Việt Nam viết tiểu thuyết sử thi có số lượng áp đảo với liên bộ tiểu thuyết sử thi về 10 năm chiến tranh (với hơn 4.000 trang): "Ngày rất dài"; "Trong vùng tam giác sắt" và "Đất miền Đông".
 
Ông đã được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước cho bộ tác phẩm ấy. Ngày nhận được giải thưởng, cũng là ngày niềm vui trọn vẹn xen lẫn sự nghẹn ngào vì để có những cuốn sách ngày hôm nay của mình, ông đã phải nhiều lần gạt nước mắt xót thương chôn cất đồng đội, những người lính ra đi chiến đấu với một niềm tự hào dân tộc vững chắc, sẵn sàng hy sinh xương máu đời mình...
 
Ông chia sẻ: "Tôi chỉ là một người may mắn hơn nhiều người, được sống với sứ mệnh của một nhà văn để kể lại câu chuyện ác liệt của chiến tranh. "Ngày rất dài" tôi tái hiện không chỉ cuộc chiến đấu của quân dân Khu 6 trong giai đoạn chiến tranh cục bộ, giai đoạn mà cả thế giới đều lo lắng, hồi hộp không biết Việt Nam có đứng vững trước sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ hay không.
 
Qua các nhân vật và bối cảnh, người đọc còn thấy được cuộc kháng chiến chống Pháp. Cuộc chiến đấu khốc liệt của quân dân miền Nam sau năm 1954 đến cuộc Đồng Khởi năm 1960. "Trong vùng tam giác sắt", viết về giai đoạn Việt Nam hóa chiến tranh vô cùng ác liệt. Trong tiểu thuyết này nhân vật ít hơn, vì vậy tính điển hình và tính cách nhân vật được đẩy lên cao, đặc biệt tôi đã xây dựng thành công một nhân vật là sĩ quan Mỹ tiêu biểu cho tình hình nước Mỹ trong cuộc chiến tranh.
 
Còn "Đất miền Đông" viết về bộ đội chính quy và những chiến dịch lớn, đặc biệt Chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc chiến tranh. Đây là một tiểu thuyết mà không gian, thời gian, diễn biến chiến tranh được đề cập thông qua hàng trăm nhân vật được xây dựng.
 

Nhà văn Nam Hà (giữa) trong lần đi lấy tư liệu ở một đơn vị chiến đấu.
 
Những vấn đề lớn của chiến tranh không chỉ của ta, đặc biệt của lính và chính quyền VNCH cũng như của Mỹ đã được tái hiện một cách trung thực, khách quan, sống động, các nhân vật cao cấp nhất của Mỹ - VNCH ở Sài Gòn đã trở thành những nhân vật văn học. Hai bộ tiểu thuyết "Trong vùng tam giác sắt" và "Đất miền Đông" tôi viết trong 10 năm mới xong. Đó là 10 năm sống lại cuộc chiến tranh đẫm máu và nước mắt của cả dân tộc".
 
Đối với ông, văn chương là trời cho cùng với những may mắn của số phận. Đã có rất nhiều câu chuyện xảy ra trong cuộc chiến để là lý do ông đến với trang viết. Đó là lần suýt chết khi ông bị một trái bom bi nổ gần vị trí chiến đấu, bị bắn nhiều mảnh vào người. Một mảnh găm vào chân, một mảnh sượt qua đầu và một mảnh còn lại vẫn nằm gọn sau lưng ông. Trở thành anh thương binh Nam Hà, ông cho rằng, đi qua cuộc chiến này, ông đã có được rất nhiều trải nghiệm vừa quý giá, vừa khủng khiếp, vừa đau đớn nhưng cũng vừa hạnh phúc.
 
Nhà văn Nam Hà hồi tưởng lại: "Ngẫm ra, số phận đã sắp đặt mọi chuyện. Từ năm 16 tuổi khi đủ lớn khôn trên mảnh đất Đô Lương nhiều thương khó, tôi đã gia nhập bộ đội, làm phóng viên cho tờ báo "Giữ làng" của Tỉnh đội Nghệ An. Rồi đi vào chiến trường suốt từ thời kỳ ấy. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi là một cán bộ chỉ huy quân đội, là thương binh. Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi vẫn là người lính trực tiếp tham gia các chiến dịch, vừa là người viết văn trực tiếp quan sát cuộc chiến tranh từ nhiều phía, nghiền ngẫm và phát hiện những vấn đề bí ẩn của cuộc chiến tranh từ vĩ mô đến vi mô.
 
Năm 1964, trước khi lên đường vào chiến trường Nam Trung Bộ, đồng chí Trung tướng Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hồi ấy nói với tôi: "Vào trong ấy trước hết là viết ngắn, viết nhanh, phục vụ kịp thời, nhưng nhớ phải tích lũy để sau này viết dài về chiến tranh". Đó là tầm nhìn chiến lược. Trong các cuộc chiến tranh xưa nay, sau khi chiến tranh kết thúc, đều có nhiều tiểu thuyết sử thi. Tiểu thuyết sử thi khác với tiểu thuyết thông thường là những sự kiện lịch sử, sự kiện chiến tranh và những con người chủ yếu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh có một vị trí quan trọng và chủ yếu, tác giả phải tôn trọng nguyên tắc này, nhân vật được hư cấu theo nguyên mẫu, có khi là người thực. Mối quan hệ giữa sự kiện lịch sử, sự kiện chiến tranh với nhân vật là mối quan hệ hữu cơ, tác động và chi phối lẫn nhau, trong đó nhân vật giữ vai trò quyết định. Liên bộ tiểu thuyết sử thi của tôi về 10 năm chiến tranh (1965 - 1975) được viết theo tinh thần ấy".
 
Kết thúc chiến tranh, nhà văn Nam Hà trở về lại mái nhà của Tạp chí Văn nghệ Quân đội công tác. Ông lập gia đình với một cô giáo dạy tiếng Pháp kém ông 15 tuổi và sinh hai người con một trai, một gái. Dù không ai theo nghề của bố, song đối với ông, công việc viết văn là thường trực. Mọi việc nhà, chuyện con cái học hành, ăn uống đều do vợ ông chăm sóc. Riêng ông vẫn đau đáu với đề tài chiến tranh, thời hậu chiến.
 
Trong dáng đi thập thễnh, nhà văn Nam Hà ra giá sách gần chỗ giường ông nằm ngay tầng một lấy cuốn tiểu thuyết dày dặn "Thời hậu chiến" xuất bản năm 2009, cuốn sách được ông tuyên bố là cuốn cuối cùng trong cuộc đời viết văn của mình, cuốn sách khép lại sứ mệnh văn chương cao cả, đối diện với chiến tranh, với những trận bom suýt chết, với những vết thương vẫn còn sẹo trên cơ thể. Đã gần chục năm nay, nhà văn Nam Hà không ra cuốn sách nào, dù tài liệu ghi chép của ông còn rất nhiều.
 
Nhà văn Nam Hà một lần nữa khẳng định rằng ông đến với cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc không chỉ với tư cách của một nhà văn đi thực tế ở chiến trường để chứng kiến, ghi chép những chiến công hiển vinh nhưng cũng không ít những hy sinh, mất mát của bạn bè, đồng đội, mà chiến tranh đã ăn sâu vào da thịt ông với những vết thương trở trời là đau nhức vì mảnh đạn vẫn còn tồn tại trong cơ thể. Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, song đối với những nhà văn đã đi qua một thời chiến trận như ông thì câu chuyện chiến tranh chắc chắn sẽ không thể mờ phai.
 
Những trang viết của ông vẫn là một dấu mốc quan trọng của chặng đường lịch sử dân tộc, nó hào hùng và bi tráng, như là một khúc ca khải hoàn: "Đất nước/ Ta hát mãi bài ca đất nước/ Cho tuổi thanh xuân sáng bừng lên như ngọc/ Cho mắt ta nhìn tận trời/ Và cho chân ta đi tới cuối đất/ Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất/ Chúng con chiến đấu cho người sống mãi, Việt Nam ơi!".
 
Theo Trần Hoàng Thiên Kim - An ninh thế giới Online
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng