Tin văn nghệ
Tập ký sự “Đôi mắt xứ Đoài”
08:41 | 25/07/2017

Cuốn sách là tập hợp 40 bài ký sự của nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học, đã in ở trên các báo. Trong đó đa số là những quan sát đa chiều, trải nghiệm của tác giả về các địa danh, di tích, vẻ đẹp của Thủ đô Hà Nội, nơi anh sinh ra và khởi nghiệp văn chương.

Tập ký sự “Đôi mắt xứ Đoài”
Bìa tập ký sự
Bài “Ở quê nhớ làng” là một ghi chép về hai làng Thụy Hương và Hương Gia ở Sóc Sơn, nơi từng được nhiều đạo diễn chọn lựa để tổ chức đóng phim. Thế nhưng, sự đô thị hóa nhanh chóng đã làm cho làng quê hội tụ nhiều vẻ đẹp dung dị đã không còn. Những con ngõ lát gạch nghiêng đã biến mất, thay vào đó là ngõ bê tông hóa, ngột ngạt. Bài viết gợi những nét xưa cũ của làng quê ngoại thành Hà Nội, nhưng cũng thể hiện cảm quan của tác giả về sự đang biến mất của những vẻ đẹp dung dị, khi không có phương án bảo tồn.
 
“Trong rêu phong làng cổ” có chung mạch cảm hứng ấy, khi tác giả với tư cách là nhà báo nhiều lần về thăm, tìm hiểu, viết bài về làng cổ Cự Đà cũng như các làng cổ Đường Lâm, An Cựu, Hòa Mục… Nguyễn Văn Học kiến giải: “Nông thôn Việt Nam được gắn kết bền chặt từ những nền nếp xưa cũ, với mối quan hệ làng xóm thắm thiết. Một khi cái xưa cũ không còn, thay vào đó là những khối nhà bê tông cốt thép sừng sững, với chiếc cổng sắt nặng trịch. Đâu còn chỗ cho gốc đa, cây mít, cây cau với khoảng sân nền nã…”
 
Rồi bài viết “Đôi mắt xứ Đoài”, với giọng văn đẹp, trầm và buồn, gợi nhớ về những nếp nhà xưa cũ ở Đường Lâm, nơi có những cô gái xinh đẹp, chăm chỉ, làm duyên cho vẻ đẹp cổ kính của ngôi làng. Cùng với đó, nhiều lứa bạn trẻ thanh tân khác, là các em sinh viên, công nhân viên chức… với nỗi nhớ quê, yêu vẻ cổ kính đã về Đường Lâm lưu giữ vẻ đẹp của mình bên những bức tường rêu, những nếp nhà. Một bộ phận giới trẻ từng ngày hiểu được giá trị của làng cổ, đã tìm cách quảng bá hình ảnh ấy bằng nhiều cách khác nhau. Hy vọng của họ là làng cổ được bảo tồn và gìn giữ bằng cả cái tâm và cái tầm của cơ quan chức năng.
 
Tập sách cũng ấn tượng bởi những bài viết “Gia tài làng họa sĩ”, “Những người phụ nữ tô thêm sắc hoa”… khắc họa sâu vẻ đẹp Hà Nội. Ở mỗi bài viết tác giả chỉ rõ được đâu là giá trị của cuộc sống, có ý kiến của nhà văn hóa; và đâu là những cái đã bị mai một cần phải gìn giữ bằng hành động trong đời sống thường nhật của mỗi chúng ta. Ngoài ra, nhiều bài ký chuyển tải cảm xúc của tác giả trên các chuyến đi, khám phá vẻ đẹp đất nước bằng những trải nghiệm, suy ngẫm, thậm chí là trăn trở. Tất cả các địa danh, mảnh đất đó, dù đã có người viết, song Nguyễn Văn Học đã thổi cảm xúc, sự rung động của một nhà văn quan sát tinh tế, nên tạo ra những bài viết sinh động. Nguyễn Văn Học là người ham đi, ham tìm hiểu. Điều đặc biệt, các bài viết ngồn ngộn chất liệu cuộc sống, giàu chất văn và thể hiện nỗi trăn trở trước những vẻ đẹp đang bị xâm thực, mất đi không thể trở lại. Hiện anh đang ấp ủ tập tản văn với đề tài về môi trường, cách ứng xử với môi trường và sự hòa hợp của con người với thiên nhiên.
 
Theo Doãn Tần - Tổ quốc
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng