Không chỉ là một nhà cách mạng, ông từng là lãnh đạo hàng đầu phong trào Phật giáo, sinh viên - học sinh xuống đường đấu tranh ở đô thị miền Nam trước năm 1975, với ba lần bị tù đày. Ông còn là nhà thơ tài hoa, một nhà nghiên cứu và bảo vệ di sản văn hóa đầy nhiệt huyết…
Từ khi còn là học sinh tôi rất thích nhân vật thi sĩ yêu nước Phan Trịnh trong tiểu thuyết Học phí trả bằng máu của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Về sau tôi mới biết, Phan Trịnh có nguyên mẫu ngoài đời thực là nhà thơ Phan Duy Nhân, tác giả của những câu thơ quen thuộc Khi áo rách xem ra chiều thủ lợi/ Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ, cùng nhiều bài thơ nổi tiếng thời tranh đấu có tên khởi đầu bằng chữ Thư: Thư gửi các bạn sinh viên, Thư nhà, Thư cho mẹ và chị… và Thư quê hương với tình cảm nhớ thương da diết viết từ Hội An gửi các em mình, đăng trên Tạp chí Bách Khoa ở Sài Gòn với ký bút danh Dương Phù Sao, trong ấy có đoạn: Bao nhiêu nhớ bao nhiêu buồn thuở trước/Đôi đũa mẹ gắp chia lời dịu ngọt/Mến thương đời xao xuyến ngực như tơ/Anh muốn hôn trên bậc cửa mong chờ/Nơi chân mẹ dẫm lên lời quyến luyến/Xin một vuông khăn gói thầm nỗi hẹn/Ủ trong lòng từng giọt nước mắt khô.
Ngoài tình yêu gia đình, quê hương, tinh thần yêu nước, dấn thân, can trường thì điều nhà thơ Phan Duy Nhân gây ấn tượng mạnh trong tôi là sự cao thượng, hào hiệp của người chiến thắng. Phải chăng đó là sự hòa quyện giữa ý chí sắt đá của một chính ủy trên mặt trận và ngục tù Côn Đảo, lòng vị tha của một thiền sư và sự lãng mạn của một thi sĩ tạo nên phẩm hạnh đáng quý Phan Duy Nhân như trong bài Vĩ thanh ông viết trong những mùa sen ở Hà Nội năm 1990: Mới gió Lào khô đã heo may Hà Nội/Chon von đỉnh núi giong buồm/Thuở trước thiền sư làm chính ủy/Câu thơ tới giờ còn mang gươm!/Thơm dấu hài thêu khuya chuyện cũ/Giữa Hàng Đào cô Tấm có là em?
Trong cuộc nổi dậy sáng mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, Phan Duy Nhân lãnh đạo cuộc biểu tình ở trung tâm Đà Nẵng, bị đối phương bắn gãy chân và bị bắt ngay tại thành phố, đưa đi thẩm vấn. Một viên sĩ quan cảnh sát dã chiến của chế độ cũ đã cầm cẳng chân trọng thương của ông xoay qua xoay lại hỏi: “Mày tên họ là gì?”. Đau đớn tột cùng nhưng con người gang thép ấy vẫn nghiến răng: “Họ Việt tên Nam!”. Viên cảnh sát lại xoay chân ông: “Mày làm nghề gì?”. Ông hiên ngang: “Chống Mỹ cứu nước”. Nén nỗi đau quặn thắt, ông thản nhiên trả lời các câu hỏi của viên sĩ quan tàn độc cho đến khi ngất lịm đi…
Trải qua bao lao tù của chính quyền Sài Gòn cũ, cuối cùng Phan Duy Nhân đã được trao trả tự do sau Hiệp định Paris. Đúng là trái đất tròn, cuối tháng 3-1975, Đà Nẵng giải phóng, tình cờ ông gặp lại viên sĩ quan cảnh sát dã chiến từng hành hạ, tra khảo mình ra trình diện chính quyền mới. Thấy ông, viên cảnh sát sợ tái xanh mặt mày, cúi đầu không dám nhìn. Ông thản nhiên bước tới vỗ vai, nhẹ nhàng hỏi thăm, rồi kéo đứa con gái khoảng 10 tuổi của viên cảnh sát đang theo cha vào lòng mình và ôn tồn bảo: “Anh hãy quên chuyện cũ, thành tâm cải tạo cho tốt để sớm được về với cháu!”.
Cuộc gặp tình cờ diễn ra chốc lát, rồi mười năm vụt trôi, ông Phan Duy Nhân đã rời Đà Nẵng ra Hà Nội, trở thành một cán bộ cao cấp, làm Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Nhân một chuyến công tác ở cực Nam Trung bộ, ông được một cán bộ cùng cơ quan mời đến thăm gia đình người bà con. Thật bất ngờ, người bà con của thuộc cấp chính là viên sĩ quan cảnh sát dã chiến ngày xưa, sau khi cải tạo về đã đưa gia đình rời Đà Nẵng vào Ninh Thuận xây dựng cuộc sống mới. Bất ngờ hơn, trên vách nhà của viên cảnh sát cũ, ông thấy treo trang trọng một tấm ảnh của chính ông được cắt ra từ một tờ báo và chụp lại, phóng to…
Nghe câu chuyện lạ lùng trên về ông do nhà báo kỳ cựu Dương Đức Quảng kể lại, sau này được nắm bàn tay già nua yếu đuối của ông, nhìn gương mặt phúc hậu đầy chất “thiền” của ông, tôi càng cảm phục tấm lòng độ lượng, hào hiệp, nhân ái của nhà thơ yêu nước một thời dấn thân vào sinh ra tử, xem cái chết nhẹ tựa mây bay. Từ việc hành hạ tù binh trọng thương đến phóng to ảnh treo trên vách nhà là hành trình từ tội lỗi đến hối hận của viên sĩ quan cảnh sát chế độ cũ, đó cũng là hành trình từ chiến tranh thù hận đến hòa bình, là sự kết thúc đẹp đẽ của tinh thần nhân văn ngàn xưa lưu truyền của người Việt!
Trong các cuộc trò chuyện về thơ ca, bao giờ nhà giáo Lê Công Cơ cũng nhắc tới nhà thơ Phan Duy Nhân. Hai ông từng là thủ lĩnh nổi tiếng của phong trào sinh viên - học sinh xuống đường đấu tranh trước năm 1975, được người xứ Quảng ví như cặp bài trùng “rồng bay phượng múa”. Về sau cả hai đều trở thành nguyên mẫu nhân vật chính trong tiểu thuyết Học phí trả bằng máu của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Trong bài viết Nhớ cái quán ngày xưa in trong sách Phan Duy Nhân - Thơ và đời, ông Lê Công Cơ nhắc lại kỷ niệm tình bạn, tình đồng đội hơn nửa thế kỷ mà việc làm có ý nghĩa đầu tiên là cùng nhau lập ra Quán Bạn nằm trên đường Phan Châu Trinh bên bờ sông An Cựu xứ Huế cho giới thanh niên, trí thức trẻ đến uống cà phê để bí mật tập hợp, xây dựng lực lượng. Ông Lê Công Cơ cho biết: “Cái tên Quán Bạn ấy, cái thời trẻ trung ấy mãi đến nhiều năm về sau, mỗi khi nhớ lại, tôi càng thêm thấm thía, thấm thía đến mãi tận bây giờ! Tình bạn là một trong ít ỏi những gì quý giá nhất của đời người. Bởi vì, đối với thế hệ chúng tôi ngày đó, tình bạn không chỉ là những giao tiếp bình thường mà cao hơn và sâu hơn, nó gắn bó với cả đời sống vật chất - tinh thần của một lớp người trẻ tuổi thuở ấy. Ngày ấy, khi tham gia phong trào yêu nước rồi đứng vào tổ chức cách mạng, chúng tôi đều đang ở độ tuổi thanh niên, tuổi của mơ mộng - yêu đương - lý tưởng… Sống - học hành - làm việc - hoạt động cách mạng đều tự nhiên”.
Và cũng trong bài viết Nhớ cái quán ngày xưa cách đây gần tròn 2 năm, trong đoạn kết, Lê Công Cơ có tâm sự cùng người bạn chiến đấu thân thiết Phan Duy Nhân: “Mai mốt rồi chúng ta sẽ ra đi, như tất cả mọi người, như những đồng đội của chúng ta đã nằm xuống trong chiến tranh và cả trong những năm tháng về sau này. Tôi tin rằng, anh và tôi đều có chung ý nghĩ là… chúng ta đã có một thời Sống Đẹp. Và chúng ta cố gắng gìn giữ điều đó cho đến lúc chia tay cuộc đời này”.
Đúng như lời của nhà giáo Lê Công Cơ, hai ông không chỉ giữ gìn hào quang quá khứ mà còn tiếp tục Sống Đẹp trong phần đời còn lại với tinh thần dấn thân vẫn mạnh mẽ như xưa. Khi đến tuổi hưu, nếu như ông Lê Công Cơ dồn tâm sức còn lại cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng thành công Trường Đại học Duy Tân uy tín hàng đầu Đà Nẵng và miền Trung, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, thì Phan Duy Nhân vừa tu tập với tư cách cư sĩ Phật giáo, lại vừa xuôi ngược vận động từ thiện giúp người, trùng tu di tích, bảo vệ các di sản thiên nhiên và văn hóa cổ truyền, đặc biệt là vùng non nước danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tấm gương ấy thật đáng quý và nhất định sẽ còn soi sáng mai sau!
Theo Phan Tấn Hùng - SGGP Online