Tin văn nghệ
Những lá thư thời chiến - kỷ vật thiêng liêng của một thời máu lửa
08:53 | 26/07/2017
Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả.
 
Những lá thư thời chiến - kỷ vật thiêng liêng của một thời máu lửa
Hội thảo khoa học "Những lá thư thời chiến" hướng tới Ngày Thương binh liệt sĩ.

Sáng 25/7/2017, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Triển lãm Vân Hồ - Số 2 Hoa Lư), đã diễn ra Hội thảo khoa học "Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hoá dân tộc", nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7).

Tham gia buổi hội thảo có ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; ông Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay và Chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, cùng các mẹ Việt Nam anh hùng, các tướng lĩnh, nhà văn, nhà báo và thân nhân của gia đình chiến sĩ…
 
Hội thảo khoa học "Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hoá dân tộc" được tổ chức trên cơ sở lấy cảm hứng từ tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” - một công trình khoa học độc đáo và mang tính nhân văn sâu sắc của Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng. Cuốn sách là công trình được nhà văn Đặng Vương Hưng thực hiện trong thời gian 10 năm (từ năm 2005 đến năm 2015), tập hợp hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội: từ Chủ tịch nước đến nông công nhân, bộ đội, thanh niên xung phong… Họ đều trực tiếp đi qua chiến tranh. Đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu trong cuốn sách đều là liệt sĩ, thương binh và khi cuốn sách này ra đời thì hầu hết họ đều không còn nữa.
 
nhung la thu thoi chien ky vat thieng lieng cua mot thoi mau lua hinh 2
Ông Phạm Quang Nghị - nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
 
TS Lê Thị Bích Hồng (Nguyên Phó vụ trưởng Ban tuyên giáo TW) đã viết trong lời tựa cuốn sách: "Tôi tin Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam sẽ luôn mang thông điệp về cái đẹp, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp Cách mạng; có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo, vệ xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hoá của dân tộc".
 
Hội thảo đã thu hút được 32 bản tham luận của mọi lứa tuổi, đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Từ các nhà nghiên cứu là Giáo sư, Tiến sĩ đến các nhà giáo, nhà báo, các cựu chiến binh… thậm chí còn có 2 nhóm tác giả là sinh viên. Đặc biệt, Hội thảo cũng thu hút được những ý kiến tham luận của một số tướng lĩnh Quân đội, Công an, Anh hùng LLVTND, cựu tù chính trị và cả thân nhân liệt sĩ.

nhung la thu thoi chien ky vat thieng lieng cua mot thoi mau lua hinh 3
Nhà sử học Dương Trung Quốc: Hội thảo những lá thư thời chiến là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ. Cũng là dịp công bố nhiều câu chuyện xúc động từ những bức thư vượt thời gian.

Mỗi người tiếp cận Những lá thư thời chiến Việt Nam ở một góc độ khác nhau như: PGS. TS Hà Minh Hồng tiếp cận "Những lá thư thời chiến Việt Nam nhìn dưới góc độ lịch sử". Bà Lê Tú Cẩm (Chủ tịch Hội Di sản thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng "Những lá thư thời chiến Việt Nam từng là phương tiện giao tiếp giữa "Địa ngục" và "Trần gian"". Theo Thiếu tướng Phan Văn Lai đánh giá "Những lá thư thời chiến - Nguồn sức mạnh to lớn của lực lượng Công an nhân dân". Còn đối với bà Đinh Thị Lệ Hằng (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh Ninh Bình) cảm nhận Thư thời chiến dưới góc nhìn của người mẹ, người vợ, người yêu...
 
Tuy nhiên, tất cả đều có chung một điểm là sự trân trọng và biết ơn Những lá thư thời chiến Việt Nam, coi đó như là những kỷ vật, di vật thiêng liêng của một thời máu lửa, giờ đây chỉ còn là di sản, tài sản của thế hệ hôm nay.
 
nhung la thu thoi chien ky vat thieng lieng cua mot thoi mau lua hinh 4
Nhà văn, đại tá Đặng Vương Hưng chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo.
 
Ông Phạm Quang Nghị cũng đánh giá cao giá trị cuốn Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam của nhà văn Đặng Vương Hưng đối với thế hệ ngày nay từ nhiều góc độ khác nhau: văn hoá, lịch sử, khoa học, chính trị… Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: "Đây chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng triệu lá thư của những người ra trận. Công việc sưu tầm, biên soạn và xuất bản cuốn sách là một quá trình biến những câu chuyện riêng, tài sản riêng thành tài sản có giá trị cho cả một dân tộc để hiểu về một thời quá khứ đầy đau thương, oanh liệt của đất nước. Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam cùng những điều chúng ta trao đổi trong buổi Hội thảo này chỉ là bước đầu cho quá trình khám phá, lưu giữ, bảo tồn những giá trị to lớn trong lịch sử dân tộc".
Hội thảo nằm trong trong khuôn khổ các hoạt động tri ân, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo./.
 
Theo Đào Bích - Nguyễn Dung/VOV
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng