Tin văn nghệ
Khởi động cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2017
08:59 | 26/07/2017
Sáng 25-7, Đài truyền hình TPHCM họp báo công bố khởi động Chuông vàng vọng cổ lần thứ 12 năm 2017. Vượt qua vòng sơ tuyển tổ chức ở 6 cụm thi tại miền Tây, miền Đông Nam bộ và TPHCM, 36/252 thí sinh sẽ bước vào vòng tuyển chọn sắp tới.
 
Khởi động cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2017
Ban giám khảo, ban huấn luyện Chuông vàng vọng cổ năm nay

Chuông vàng vọng cổ được HTV tổ chức hằng năm nhằm tìm kiếm, bồi dưỡng những tài năng trẻ trong lĩnh vực sân khấu cải lương, góp phần tuyên truyền sâu rộng, tạo sức lan tỏa của bộ môn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong đời sống văn tinh thần của người dân từ thành thị đến nông thôn. Đồng thời, cuộc thi cũng góp phần khích lệ các bạn trẻ tìm hiểu, kế thừa và mở rộng phong trào ca vọng cổ, đờn ca tài tử trong xã hội.

Vượt qua vòng sơ tuyển tổ chức ở 6 cụm thi tại miền Tây, miền Đông Nam bộ và TPHCM, 36/252 thí sinh sẽ bước vào thi tài trong vòng tuyển chọn diễn ra vào các tối 26, 27, 28 và 29-7. Sau mỗi đêm thi, ban giám khảo sẽ chọn 2 thí sinh xuất sắc nhất để vào thi vòng chung kết xếp hạng.
 
Nét mới của cuộc thi Chuông vàng vọng cổ năm nay là ở vòng tuyển chọn, ngoài BGK còn có một giám khảo khách mời là NSƯT Thanh Tuấn cùng tham gia góp ý, tranh luận, phản biện với ban giám khảo về việc nhận xét và bình chọn thí sinh. Đêm cuối vòng tuyển chọn, giám khảo khách mời sẽ chọn ra một thí sinh xuất sắc nhất của 4 đêm thi cùng các thí sinh khác vào vòng chung kết xếp hạng.

Khởi động cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2017 ảnh 2

Ban huấn luyện trao đổi với các thí sinh sau buổi họp báo
 
Như vậy, sẽ có 9 thí sinh hội đủ tiêu chí về giọng ca, sắc vóc, khả năng trình diễn sân khấu cùng thi tài trong vòng chung kết xếp hạng, diễn ra vào các tối chủ nhật hàng tuần là ngày 3, 10, 17 và 24-9. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên HTV.
Trong vòng chung kết xếp hạng, các thí sinh sẽ được ban huấn luyện gồm NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quế Trân huấn luyện, hướng dẫn thêm để nâng chất giọng ca, cách phát âm, nhã chữ, sắp nhịp, phân câu, kỹ thuật biểu diễn, vũ đạo, hình thể…
 
Đêm thi tài sẽ có nhiều phần thi gay cấn: ca trích 3 câu vọng cổ, hoặc 2 câu kèm các bài bản; ca một bài vọng cổ với sự hỗ trợ của nghệ sĩ khách mời; diễn một trích đoạn cải lương cùng với các nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp; bốc thăm hát một bài vọng cổ…
 
Ban giám khảo vòng chung kết xếp hạng cuộc thi năm nay là NSND Bạch Tuyết, NSƯT Minh Vương và NSƯT Thanh Tuấn.
 
 
 
Ngoài ra, sân chơi Vọng cổ online mỗi tuần đều nhận được khoảng 60 bài, video clip gửi về tham gia, tăng gấp đôi so với cuộc thi Vọng cổ online năm trước. Đây cũng là một tín hiệu vui, thể hiện sức sống và sự lan tỏa của cuộc thi, loại hình đờn ca tài tử trong đời sống xã hội. Năm nay, để sân chơi này thêm hấp dẫn, BTC sẽ tổ chức thêm những buổi gặp gỡ sau mỗi tháng, dành cho các thí sinh cuộc thi Vọng cổ online.
 

 

Theo Thúy Bình - SGGP Online

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng