“Trong chiến tranh, âm nhạc chính là vũ khí. Tôi còn nhớ, năm 1973 khi mới về Đài tiếng nói làm việc, tôi trao đổi với mọi người về kế hoạch hát những ca khúc trữ tình để động viên tinh thần quân và dân. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từ TP.HCM gọi điện ra Bắc, nói với tôi: ở trong đấy, mọi người chỉ ngủ có một mắt thôi đấy. Sức mạnh của âm nhạc là thế.
Cho đến nay, khi chứng kiến những em nhỏ ở Mỹ Đức hát ca khúc Chiếc gậy Trường Sơn một cách say sưa, tôi lại càng thấy giá trị của âm nhạc ở khả năng truyền cảm hứng qua nhiều thế hệ.” – nhạc sĩ của Những cánh chim Hồng Gấm bày tỏ.
Tập ca khúc Đồng đội ơi
Chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách ý nghĩa này, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết Hội âm nhạc Hà Nội có gần 500 người thì 1/3 trong số đó cũng là những người lính.
"Chúng tôi cũng đã đi qua những năm tháng “vào sinh ra tử” cùng nhiều đồng đội. Và tôi còn nhớ, đơn vị mình khi đi đóng góp trong chiến dịch ở Khe Sanh năm 1968, đã có 3 đồng đội hi sinh. Đó là anh Chu Mi, Đức Thuận và Thanh Hiền.
Con người quý nhất mạng sống nhưng những chiến sĩ anh hùng đã hi sinh khi họ còn rất trẻ. Tôi nghĩ rằng những người đã mất, có lẽ chỉ có một nguyện vọng là đừng quên họ.
Làm nghề sáng tác, chúng tôi không có gì hơn là dành tặng đồng đội mình bằng những tác phẩm âm nhạc.
Vì thế, Đồng đội ơi là một tiếng gọi, là lời tri ân, là sự biết ơn từ tấm lòng nhỏ bé của chúng tôi gửi đến những người lính” – nhạc sĩ Tượng đài trong tim cho hay.
Theo Thanh Tú - Thể thao & Văn hóa