Tin văn nghệ
Nhà thơ Hữu Loan luận chữ làm câu đối
01:27 | 05/11/2014

Ngày giáp Tết Mậu Tý 2008, nhân về quê, tôi quyết định đến thăm nhà thơ Hữu Loan. Tôi đến, ông và bà Nhu - vợ ông - rất mừng, đón tiếp nồng hậu, ân tình. Tôi nói đùa: "Bác khôn thế, toàn lấy được vợ trẻ và con nhà giàu sang". Ông chỉ cười: "Đấy là cái duyên trời định, nào có chủ tâm!".

Nhà thơ Hữu Loan luận chữ làm câu đối

Quả thật, hai người phụ nữ gắn bó với đời ông đều là hai cô gái trẻ đẹp, con nhà giàu có. Người vợ đầu, bà Lê Đỗ Thị Ninh kém ông 14 tuổi, yêu ông lúc chớm độ trăng tròn. Tuần Lễ Vàng được phát động năm 1945, gia đình bà có nhiều người hưởng ứng. Chính nhờ sự kiện đó mới tạo cơ duyên cho cô gái trẻ khuê các Lê Đỗ Thị Ninh diện kiến ông tú hào hoa Nguyễn Hữu Loan. Bàn tay thanh tú nâng niu chiếc xuyến vàng mấy đồng cân hiến trao cho chính quyền cách mạng buổi ấy đã lọt mắt xanh kẻ sĩ đa tình, giống như sợi tơ hồng buộc họ lại với nhau.

Cái bi tráng trong "Màu tím hoa sim" trên vai áo người chiến sĩ vệ quốc đoàn càng tăng thêm sức hút của ông trước người đời, trước phái đẹp, trở thành đường vân ngõ hạnh cho ông đến với người vợ mới sau đó mấy năm. Khi về làm vợ ông, bà Nhu mới 19 tuổi.

Hai người phụ nữ gắn với đời ông là hai số phận, hai hình ảnh tương phản. Một người  khuê các, kiêu sa, thoắt đến rồi thoắt đi, như nàng tiên trong áng mây chiều, hiện vào thi ca, trở thành chân dung của bức hoành phi nghệ thuật để đời. Nhờ "Màu tím hoa sim", người đọc biết về bà, xót thương mệnh bạc của một kiếp hồng nhan có thật. Một người thì hiện thực, mộc mạc, lâu bền, lam lũ vì chồng con, trọn nghĩa phu thê, mẫu tử. Hai người vợ, một ngoài đời, một trong thơ, tựa nhau tồn tại và giữ ông trụ vững giữa đời nhiều bão táp.

Biết ông đang vui, cũng biết ông thích câu đối, tôi đọc hai câu tặng ông.

Câu I: 

Mây ngắm Hoàn Vân, nghiêng bóng núi dặm đường chiến sĩ
Gió đùa Ô Lỗi, rộn hương đời trang chữ thi nhân.

Câu II:

Đất lạnh nghìn trùng, vẩy ngọn bút tím lòng nhân thế
Trời thiêng một với, ôm mây mưa tàn cánh phù dung.

Ông nghe chăm chú và chậm rãi nói: "Về mặt bút pháp, niêm, luật, ý tứ của câu đối như vậy là được. Chỉ có điều anh ca ngợi tôi ghê quá".

Sau một vài phút hỏi thăm gia đình, ông thong thả: "Câu một thì ổn, nhưng câu hai thì chữ "tím" ở vế thứ nhất có thể nhiều người sẽ hiểu khác. Tôi biết anh dùng chữ tím là chỉ màu tím, viollette, liên quan đến màu hoa sim trong bài "Màu tím hoa sim". Nhưng đây là câu đối, nó đứng biệt lập, vì vậy sự liên tưởng đến màu của hoa sim là không nhiều.  Chữ tím ấy sẽ được hiểu là thâm tím, bầm tím, tím tái. Nghĩa nghịch của nó nhiều hơn cái nghĩa thuận xuất phát từ ý thơ: "Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết... / màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt" mà anh đang muốn dùng".

Tôi giật mình, không ngờ ông minh mẫn đến thế, nghe có một lượt mà đã phát hiện ra cái lỗi cần sửa. Tôi ngỏ ý muốn nhờ ông sửa giúp, ông im lặng. Tôi thưa: "Nên chăng thay chữ "tím" bằng chữ "thắm" có được không?". Ông trả lời: "Chữ "thắm" cũng được nhưng nhạt nghĩa, không tương xứng với mệnh đề "đất lạnh nghìn trùng" đứng  trước,  có thể chữ "thấm" hay hơn". Tôi quyết định dùng chữ "thấm" mà ông gợi ý. Bà Nhu, vợ ông ngồi bên cũng tán đồng.

Câu đối II được sửa lại là:

Đất lạnh nghìn trùng, vẩy ngọn bút thấm lòng nhân thế
Trời thiêng một với, ôm mây mưa tàn cánh phù dung.

Ông đồng ý để tôi viết tay hai đôi câu đối vào trang đầu của cuốn kỷ yếu dày cộp, dễ tìm khi cần. Dù sao, đây cũng là chút kỷ niệm chữ nghĩa tôi dành tặng ông và được ông chấp nhận.

Cha tôi kể lại, khoảng đầu những năm 40 của thế kỷ trước, nhà thơ Hữu Loan đã đỗ tú tài, đang đi dạy học và hoạt động cách mạng. Một hôm, một số bạn giáo học đến nhà chơi với cha tôi và đàm đạo văn chương. Trong đó có cả cụ giáo Phan Cự Triệt, người thầy được nhiều thế hệ học trò Nga Sơn - Thanh Hóa nể phục về nhân cách và kiến thức. Cụ giáo Phan Cự Triệt chính là thân phụ của giáo sư văn học Phan Cự Đệ sau này.

Nhân bàn về vấn đề Phật giáo đang đứng trước nhiều thách thức và nhạy cảm thời đó, mấy người đàm luận về các nhân vật trong "Tây Du Ký". Trong bốn thầy trò đi Tây Trúc thì Trư Bát Giới được coi là hồn nhiên, bản năng nhất, không thiết kinh kệ, Niết Bàn gì hết, phải đi vì mắc tội hám gái, trêu chọc Hằng Nga. Bát Giới lúc nào cũng chỉ mong "giải tán đội hình" để được về nhà ngủ khì, cơm no, rượu say bên mẹ đĩ, rất đời thường. Nhưng vì thương Sa Tăng vất vả, lại sợ gậy sắt của lão Tôn hết vía nên không dám "đảo ngũ". Trong con mắt của Thiên Bồng Nguyên Soái thì sư phụ Đường Tăng chỉ là lão hòa thượng đầu trần mắt thịt, không phân biệt nổi trắng đen, phải trái, người quỷ lẫn lộn, chỉ sợ đàn bà và đọc thần chú là nhanh. Trư Nhị đệ kính nể Tôn huynh, nhưng cũng ghét lão Bật Mã Ôn bất lực, quá ngoan ngoãn qui thuận  trước các thế lực thần quyền. Thần thông quảng đại là vậy, nhưng xét chung vẫn là kẻ chiến bại.

Lấy Trư Bát Giới làm trung tâm, mỗi người đưa ra một câu đối về các nhân vật trong truyện. Cấu đối đưa ra thì nhiều. Nhưng có hai câu mà cha tôi không quên. Một câu dành cho Đường Tăng, muốn lột tả cái bản chất thụ động và luôn được chở che của Đường Tam Tạng:

Tích trượng chín vòng, lưng ngựa rung rinh nhờ bóng Phật.

Cà sa một mảnh, mắt trần hấp háy đón chân kinh.

Câu thứ hai là câu đối của Hữu Loan dành cho Tôn Ngộ Không:

Kiếp nạn tám mốt tròng, muôn trận hùng thiêng tay thiết bổng
Thần thông bảy hai phép, nửa đời nghiệt khuất bóng kim cô.

Mọi người ai cũng khen hay nhưng hơi sái, cho rằng câu đối cứ như vận vào cậu tú trẻ tuổi vậy.

Gần đây, tôi lại được anh Nguyễn Tử Tân (bạn học của anh trai cả tôi) đọc cho nghe câu đối của Hữu Loan khóc bà mẹ vợ đầu khi bà qui tiên cách đây hơn 60 năm:

Rể không đền, gái ngắn phận sao đền, ơn cứu ơn mang, ơn đoán giữa một tương lai nhân cách.

Sống khó gặp, chết vì sao không gặp, khóc nguồn khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương.

Thống thiết đến thế là cùng. Đôi hàng chữ - hai dòng lệ - vọng âm thanh của tiếng khóc tức tưởi bị dồn nén lâu ngày, đang vật vã trước linh cữu nhạc mẫu vừa quy tiên. Đúng là một phong cách Hữu Loan, không lẫn với ai.

Trong trí nhớ của tôi, đó là một chiều cuối năm rét cắt thịt, thấu xương. Ông ngồi trên chiếc ghế tựa, đôi mắt mở to, sáng quắc tựa pha lê, mái đầu trắng như bông. Trước mặt là Vân Hoàn Sơn bốn mùa mây trắng, đang ngập chìm trong màn sương phủ trước cánh cửa vào xuân. 

Nhìn ông, nhìn núi, tôi liên tưởng đến các bậc hàn sĩ cổ xưa ẩn mình nơi thâm sơn cùng cốc với dáng Long ngoạ - Phượng sồ kỳ thú, truyền tụng bao đời.

Không ngờ đây là lần gặp cuối cùng.
 

Theo Trần Cao Sơn - VNCA




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng