Từ 5-8, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM có thêm không gian sinh hoạt mới, đó là phòng Bồ câu trắng.
Căn phòng do bảo tàng phối hợp với 20 tình nguyện viên Nhật Bản xây dựng nội dung. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Chim bồ câu trắng biểu tượng của hòa bình”, do Việt Nam và Nhật Bản thực hiện.
Trong ngày đầu tiên mở cửa, phòng Bồ câu trắng đón nhiều nạn nhân chất độc dioxin, thanh niên, du khách nước ngoài vào tham quan, giao lưu. Là một trong những người dày công tạo nên không gian hòa bình, hữu nghị này, họa sĩ Okitani Koji không giấu được niềm vui khi các bạn trẻ nhận trọn thông điệp mà ông và cộng sự gửi gắm. Như Nhật Bản, Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến và mất thời gian dài tái thiết. Sự đồng cảm và khâm phục giúp ông và cộng sự truyền đi thông điệp hòa bình thông qua những bức vẽ chim bồ câu trắng tung bay. Không những thế, phòng Bồ câu trắng còn là nơi kết nối tình nguyện viên hai nước, giúp hai dân tộc xích lại gần nhau.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cho hay, ngoài nội dung trưng bày về hậu quả chiến tranh, bảo tàng dành không gian tổ chức giao lưu, trưng bày về tình hữu nghị giữa Việt Nam với nhiều nước bạn. Đến phòng Bồ câu trắng, các em nhỏ, đoàn viên, thanh niên, du khách tham gia nhiều hoạt động giáo dục hòa bình qua phim ảnh, văn nghệ, tranh vẽ... Nhân dịp khai trương phòng Bồ câu trắng, ban tổ chức dự án tặng nạn nhân chất độc da cam ở TPHCM 30 phần quà (gồm nhu yếu phẩm, dụng cụ học tập...).
Theo Kỳ Lâm - SGGP Online