Gặp lại sau quãng thời gian dài, Trần Nhật Thăng đùa rằng anh chẳng thay đổi thành họa sĩ khác được, nhưng qua những bức tranh, khán giả sẽ thấy anh đã lên một trình độ và ý thức khác.
- PV: Tại sao anh lại đặt tên chung cho chuỗi triển lãm là “Miền”? Và lý do gì khiến miền ấy trở đi trở lại trong tranh vừa khơi gợi, vừa ám ảnh?
- Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Tôi thấy từ gợi nhất về trải rộng địa lý là “miền”. Người ta có thể dùng từ “vùng” nhưng không gợi và không rộng bằng. Miền cảm xúc trong tôi không phân định về biên giới thì càng trải rộng. Tôi có ít nhất 6 loạt tranh “Miền”, mỗi tranh lại nhiều trạng thái cảm xúc riêng, lúc lãng mạn, lúc khốc liệt, lúc thiền thiền, lúc bỏ quên… Thường thì tôi đã có ý trước cho tên tranh, hoặc trong lúc vẽ nảy ra, chẳng bao giờ vẽ xong mới đặt tên cả.
- Ai cũng nói tranh trừu tượng khó hiểu, anh làm thế nào để tranh gần khán giả?
- Trừu tượng là giữ lại hình và thoát ra cái tình và cái thần. Xem tranh trừu tượng phải đặt cái cảm nhận lên trên. Tôi qua mỗi lần triển lãm là mỗi lần chia sẻ với khán giả xin đừng hỏi tranh vẽ cái gì. Tranh trừu tượng không vẽ cái nhà, không vẽ cái cây, nó vẽ cái cảm xúc, vẽ cái sự mát, sự nóng, sự buồn, sự vui, vẽ trạng từ chứ không vẽ danh từ. Đừng nhìn rồi bảo nó giống cái này nó giống cái kia, nó không giống cái gì cả, nó là một thế giới hình ảnh mới mà họa sĩ tạo ra.
Tôi thấy con mắt trẻ thơ rất thú vị, chúng không đòi hỏi, không bị lý thuyết thắc mắc vẽ cái gì, có bạn nhỏ nhìn tranh tôi nói: “Trông cái này thích thế nhỉ, loang loang loang đẹp thế nhỉ?”. Người xem tranh cần quan sát cả đời sống người họa sĩ ấy, xem người ấy là ai, nói năng thế nào, học trường nào ra, bán được tranh thì mua cái gì, không bán được tranh thì sống ra làm sao. Tôi muốn nói thêm rằng chỗ đặt chữ ký vào đâu trên tranh trừu tượng là cả vấn đề, chữ ký là một phần của tranh, đặt không hợp lý là vô duyên ngay.
Những bức tranh trong chuỗi triển lãm “Miền”
- Vắng bóng suốt 9 năm anh đã làm gì, từ khi nào anh bắt đầu miệt mài sáng tác khối lượng tranh lớn như vậy?
- Ở chuỗi triển lãm “Miền”, tổng khối lượng tranh tương đương người ta làm việc 10 năm. Nhưng tôi mất gần 9 năm “nghĩ mưu”. 9 năm ấy tôi vẫn sống bình thường, lúc thì đi xa, lúc thì đi gần, lúc lo toan cho vợ con ăn uống, lúc vay tiền đi đóng tiền học cho con, lúc nhận làm những tranh trang trí, rẻ rẻ 3 triệu đồng một bức để kiếm tiền. Đầu năm 2017 tôi mới nảy ra, vẽ miệt mài, có đêm tôi thức trắng vẽ liền mạch 10 bức. Có khi đang vẽ mà hết màu thì rất điên. Sau phải nhìn trước khi vẽ mà cân đối.
- Vẽ nhanh như vậy, làm sao để anh tránh được sự cẩu thả?
- Ranh giới giữa sự cẩu thả, sự trốn chạy, thiếu cơ bản, yếu hình, trốn vào trừu tượng; ranh giới giữa trẻ con và người lớn; ranh giới giữa sự bôi bẩn và tác phẩm rất là gần nhau. Tôi hiểu nên tôi không vướng phải những lỗi nhỏ ấy. Đến một tác phẩm nghệ thuật đẹp, sáng tạo hoặc là mang tính tư tưởng thì rất khó. Bởi trong hội họa người ta nói phải có hình, có màu, có bố cục đường nét.
- Anh thấy vẽ tranh trừu tượng dễ và khó ở điểm gì?
- Dễ vì tôi không phải quá vất vả để tìm tòi hình. Thời sinh viên chân ướt chân ráo vẽ tranh trừu tượng, tôi mông lung choáng váng bởi môi trường mỹ thuật những năm ấy hầu như mọi người không ủng hộ vẽ tranh trừu tượng. Họ lên án bảo đấy là vẽ lung tung, không hàn lâm, phá cách. Tranh trừu tượng năm 1994 vẫn là một khái niệm cực mới, màu acrylic khi ấy người Việt Nam vừa biết tới. Tôi may mắn vì mình là lứa đầu vẽ acrylic rồi liền mạch vẽ luôn 22 năm nay không từ bỏ, cũng may mắn bởi sự tiến bộ về văn hóa, mỹ thuật, mọi người nhìn nhận lại dòng tranh này thú vị.
- Bén duyên với dòng tranh trừu tượng hẳn là phải cần tố chất gì đó chứ nhỉ?
- Tôi có một xưởng vẽ trả tiền 6 tháng một, một can rượu 20 lít bạn cho và đang sáng tác. Con người phải quan tâm đến giàu nghèo, đó là người trách nhiệm, nhưng nghề họa sĩ mải chơi thì hay quên. Tôi thích đi du lịch. Đặc biệt thích ăn một quả trứng luộc ở ngọn núi heo hắt, nhìn bếp lửa, nồi luộc ngô... Kể nhiều như vậy, bởi với họa sĩ, cuộc sống luôn có khoảnh khắc để nắm bắt chứ sao phải chờ đợi thời điểm đặt trước.
Cuộc sống có phong cảnh, có thiên tai, có tình người với người thậm chí có lừa lọc, mình phải nhận hết. Người họa sĩ sẽ gạn lọc, chọn những tín hiệu của cuộc sống, những xinh đẹp rồi dồn về nghệ thuật. Dồn về tôi cũng có miền ký ức buồn về nhiều chuyện. Làm sao ai vui mãi được. Tôi thấy vùng buồn sâu và hay. Cái buồn mới làm lên giá trị của một con người: vững vàng, bản lĩnh, trên bản lĩnh phải là tha thứ nữa.
- Cảm ơn anh!
Theo An ninh Thủ đô