Còn tác giả Lê Thiếu Nhơn chọn thơ để viết thành cuốn sách này, vì: “Xã hội càng tiến bộ, thơ càng được in ồ ạt. Tín hiệu ấy đáng mừng chứ không phải đáng lo, bởi ai cũng được bày tỏ niềm riêng, ai cũng được dự phần sáng tạo. Tuy nhiên, đó cũng là thách thức cho độc giả, đòi hỏi phải chọn lọc hơn, đòi hỏi phải tinh tế hơn. Trước bao nhiêu vần điệu du dương một cách thỏa mãn, người đọc lương thiện sẽ dễ dàng nhận thấy nhiều sự thật ê chề và nhiều trắc ẩn chênh vênh bị xua đuổi khỏi những trang thơ tán tụng đong đưa. Quá trình đô thị hóa hối hả, nhiệm vụ nặng nề của thi ca là níu giữ giùm cộng đồng chút giá trị ít ỏi của những vẻ đẹp thoáng qua như những nỗi mơ mộng hắt hiu”.
Công việc của Lê Thiếu Nhơn trong Hoa rơi hữu ý là chọn ra những bài thơ, câu thơ theo anh là “có đóng góp lớn” trong việc xây dựng chân dung từng nhà thơ. Việc làm của Lê Thiếu Nhơn được người cầm bút lứa trước - Tô Hoàng, nhìn nhận: “Ấy vậy mà trong khoảng hai thập niên vừa qua, nhà thơ - nhà báo Lê Thiếu Nhơn vẫn thủng thẳng, nhẩn nha; vẫn hào hứng và xông xáo để cung cấp đều đặn những bài viết về các nhà thơ, khen chê một cách rạch ròi!”.
Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn (họa sĩ Trần Đạt vẽ)
2. Hoa rơi hữu ý viết về 22 nhà thơ và tác phẩm của họ, có nhà thơ nhắc đến tên ai cũng biết, như: Văn Cao, Chế Lan Viên, Hữu Loan, Đông Hồ, Phùng Cung…; có nhà thơ cầm bút trước anh vài thập niên: Thi Hoàng, Thanh Tùng, Dư Thị Hoàn, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Thành Nghị, Triệu Từ Truyền, Trần Thị Huyền Trang…; lại có nhà thơ dường như bạn đọc mới biết tên lần đầu qua cuốn sách này: Lê Đình Hòa, Huỳnh Duy Siêng, Tường Vân…
Việc xếp chung các “tên tuổi” như thế vào một cuốn sách có gì “trúc trắc” chăng? Lê Thiếu Nhơn, cho biết: “Những câu thơ viết trên tờ giấy úa nhàu hoặc những câu thơ viết trên màn hình di động, đều không thể che đậy được tâm trạng cô đơn của nhà thơ. Trong hữu hạn kiếp người, một cá nhân vô cùng nhỏ bé khi so sánh với một đám đông, nhưng một cá nhân vẫn đại diện cho một đám đông lúc bài thơ bắt đầu bằng thái độ phân vân giữa việc nâng niu cái phổ phát và việc tôn trọng cái khác biệt”.
Với Văn Cao, Lê Thiếu Nhơn nhìn thấy sự nghiệp sáng tác của ông có ba giai đoạn: Mềm mại đắm đuối, Lạc quan hào sảng và Can trường sắc sảo.
Trong đó, giai đoạn “can trường sắc sảo” thì âm nhạc Văn Cao chìm vào im lặng dù có một Mùa Xuân đầu tiên mừng non sông thống nhất. Giai đoạn này Văn Cao dành hết cho cuộc “truy vấn số phận miệt mài” bằng thơ: “Khi đêm tối tất cả người tôi thức dậy/ Những đam mê quên ngủ suốt ngày (Thức dậy). Lê Thiếu Nhơn nhận định: “Không phải cuộc chơi nghệ thuật nữa, thơ Văn Cao trở thành cuộc truy vấn số phận”.
Không riêng Văn Cao, các nhà thơ trong Hoa rơi hữu ý đều “truy vấn số phận” chính mình. Lê Thiếu Nhơn “đọc được số phận” của từng nhà thơ và thời đoạn họ đã sống thông qua những câu thơ mà rút ruột viết thành.
Vài nét về nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn
Lê Thiếu Nhơn sinh năm 1978, đã xuất bản các tập thơ: Bài ca phía mặt trời (1997), Dốc gió (1999), Phố tình riêng (2003), Trong bóng người xưa (2006), Bản tường trình giấc mơ đi vắng (2009); tản văn: Sống chậm thời @ (in chung với Nguyễn Ngọc Tư, 2006), Những người lãng mạn giữa đô thị (2006), Người Việt biết đùa (2007); phê bình: Thi ca nết đất (2011).
Anh đã nhận tặng thưởng của Hội Nhà văn TP.HCM trong các năm 2007, 2009 và 2010. Lê Thiếu Nhơn từng là ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình và hiện là ủy viên Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn TP.HCM.
|
Theo Hoàng Nhân - Thể thao & Văn hóa