Tin văn nghệ
Triển lãm những bức tranh của "bậc thầy màu nước"
10:17 | 10/08/2017

Kỷ niệm 10 năm ngày mất họa sỹ Lưu Công Nhân (2007 - 2017), Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) phối hợp cùng Gallery39 và gia đình cố họa sỹ tổ chức triển lãm “Nét” trưng bày khoảng 50 tác phẩm của ông.

Triển lãm những bức tranh của "bậc thầy màu nước"
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm thuộc nhiều nhóm đề tài
Đây là các tác phẩm được giám tuyển Lê Thiết Cương lựa chọn từ khoảng 400 bức thuộc bộ sưu tập tranh Lưu Công Nhân đồ sộ nhất hiện nay của nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng. Đây có thể coi là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sỹ Lưu Công Nhân tính từ năm 1975 cho tới nay. 
Sau triển lãm hội họa đương đại đầu tiên mang tên “Tỏa”, trưng bày tác phẩm của 19 nghệ sĩ đương đại trong và ngoài nước, VCCA giới thiệu triển lãm thứ hai “Nét”, đưa tới cho công chúng cơ hội tiếp cận các tác phẩm của một trong những họa sỹ Việt Nam tiêu biểu thời kỳ “hậu Đông Dương”.
 
Họa sỹ Lưu Công Nhân (1931-2007), tốt nghiệp Trường Mỹ thuật khóa kháng chiến tại Việt Bắc (1950 - 1953) do thầy Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng. Ông được đánh giá là một trong những bậc thầy của hội họa Việt Nam. Vẻ đẹp trong tranh Lưu Công Nhân luôn tổ hợp hai yếu tố duyên dáng “quê mùa”, bình dị mộc mạc với hào hoa, sang trọng, hiện đại dù vẽ sơn dầu trên vải hay màu nước trên giấy, dù vẽ phong cảnh đồng quê hay các thiếu nữ thành thị.
 
Triển lãm giới thiệu các tác phẩm thuộc nhiều nhóm đề tài trên các chất liệu đa dạng như sơn dầu, giấy dó, bột màu, phấn sáp, màu nước, ký họa than chì... Trong đó đáng chú ý là các tác phẩm đề tài chân dung thiếu nữ, nude và bức “Bình dân học vụ” tranh sơn dầu khổ 160 x 130cm, vẽ năm 1955. 
 
 
Họa sỹ Lưu Công nhân từng tham dự các triển lãm quốc tế tại Berlin (1964); Bucarest (1968); Budapest (1960); Laureate of the Vienne Biennal V (1959); Moscow (1958 -90); Paris (1980); Prague (1960); Bắc Kinh (1957); Warsaw (1958 - 1960 - 1965). Năm 2002, ông được trao Giải thưởng Nhà Nước (đợt I); Giải thưởng triển lãm toàn quốc 1951-1960; Giải thưởng triển lãm quốc tế Vienne 1959. 
 
 
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu một số tác phẩm thuộc sở hữu riêng của nhà sưu tập Apricot. Đây là cơ hội hiếm hoi để công chúng được chiêm ngưỡng tác phẩm này cũng như các tác phẩm nằm trong bộ sưu tập đồ sộ của ông Nguyễn Phúc Hưởng.
 
Nhận xét về bút pháp của họa sỹ Lưu Công Nhân, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân viết: “Những người phụ nữ cũng là hình tượng chủ đạo - nơi trú ngụ của cái đẹp - trong sáng tác của ông. Song ở Lưu Công Nhân, bên cạnh sự đài các của “Bên hoa huệ” là cái mộc mạc vừa “Gái quê”, vừa “O du kích nhỏ” trước đó chưa hề có trong hội họa Việt Nam”.
 
Ông tiếp nối cái trữ tình của hội họa Đông Dương bằng nét hiện thực lạc quan của kháng chiến. Ông được mệnh danh là “bậc thầy màu nước”, vì riêng chất liệu này, ông đã vẽ hàng trăm tác phẩm và trải rộng qua các đề tài, từ cảnh làng Bắc bộ, cảnh Hội An - Huế - Mỹ Sơn, cảnh biển - vịnh Hạ Long, cảnh lao động, cảnh Tây Bắc, cho tới khỏa thân, tĩnh vật, hoa…
 

Theo Trúc Anh - An ninh Thủ đô

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng