Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược là một công trình sưu tầm về cuộc chiến đấu kiên trung bất khuất trong nhà tù quân xâm lược của 176 nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Đây được coi là lần đầu tiên tập hợp đầy đủ, giới thiệu chi tiết về những ngòi bút có số phận đặc biệt, bị bắt giam, tù đầy. Có thể kể đến như đại danh y Tuệ Tĩnh, học sĩ Nguyễn Phi Khanh, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu, Lương Ngọc Quyến, Tố Hữu, Trần Mai Ninh, Hải Triều, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Phan Khôi, Nguyễn Mĩ, Tản Đà, Hữu Phương… tại các nhà tù trong nước và ngoài nước …
Theo tác giả Lê Văn Ba, điểm chung những nhà văn chiến sĩ yêu nước này đều trải qua những cuộc tra tấn dã man, nhưng họ vẫn quan sát, ghi chép làm thơ, viết nhật ký, giữ trọn khí tiết và phẩm chất người chí sĩ yêu nước. Ngoài tấm gương kiên trung bất khuất, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của chính bản thân mình, các nhà văn, nhà thơ đã để lại nền văn học trong nhà tù Việt Nam, đã trở thành vũ khí tinh thần và sức mạnh to lớn giúp cuộc chiến thắng lợi. Với hôm nay giá trị đó đang góp phần xây dựng hòa nhập thế giới, nhắc nhở con cháu hãy luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ biên cương.
Hơn 10 năm trước, khi tác giả Lê Văn Ba mang bản thảo Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đón nhận nồng nhiệt và viết lời giới thiệu. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh: “Những năm qua đã có nhiều cuộc hội thảo, lễ tưởng niệm, cùng các ngành, đoàn thể ra những cuốn sách về nhà văn liệt sĩ và chiến sĩ nhà văn. Những gì làm được quả là ít ỏi so với sự hy sinh to lớn của lớp người đi trước. Riêng mảng văn học viết về nhà tù trại giam - một mặt trận theo đúng nghĩa của nó - chưa được quan tâm thích đáng, mà nhân chứng, tư liệu ngày càng mất mát, có dấu hiệu đi vào quên lãng. Ở đây, không chỉ là giáo dục truyền thống, động viên lòng yêu nước mà còn là đạo lý uống nước nhớ nguồn, là văn hóa. Trong bối cảnh đó, bộ sách Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược có ý nghĩa như một tượng đài vinh danh các nhà thơ, nhà văn, tác gia, tác phẩm ưu tú đã làm nên một dòng văn học độc đáo trong văn học Việt Nam”.
Tác giả Lê Văn Ba (ngoài cùng bên trái) tại lễ trao giải văn học đề tài Thương binh Liệt sĩ và người có công (ảnh: laodongthudo.vn)
Riêng với bản thân tác giả, khi sưu tầm những tấm gương Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược để tập hợp trong cuốn sách đã khiến tác giả “lớn lên” rất nhiều, họ đã truyền cho trái tim tác giả lòng ái quốc, lẽ sống, ngòi bút trung thực góp phần xây dựng xã hội.
Cuốn sách Nhà văn Việt Nam trong nhà tù quân xâm lược do NXB Hội Nhà văn ấn hành, mới đây được giải Tôn vinh trong cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài Thương binh liệt sĩ và người có công do Bộ Lao động Thương binh và xã hội và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Theo Hà Anh - Tổ quốc