Tin văn nghệ
Thành công của trại sáng tác ‘Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng’
14:03 | 06/09/2017
Sau 2 tuần tổ chức, trại sáng tác chủ đề “Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng” đã khép lại với những thành quả đáng ghi nhận của các nhà văn tham gia sáng tác đợt này.
 
Thành công của trại sáng tác ‘Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng’
Bế mạc trại sáng tác ‘Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng’
Tại thành phố biển Nha Trang xinh đẹp và thân thiện, sáng ngày 15/8/2017, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân (Tổng cục Chính trị) phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học- Nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khai mạc Trại sáng tác văn chương dành riêng cho hai thể loại tiểu thuyết và trường ca về đề tài: “Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng”.
 
Dự lễ khai mạc có Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng); Đại tá Kiều Bách Tuấn, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuấn bản Quân đội Nhân dân; ông Huỳnh Văn Ngàn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học - Nghệ thuật, Bộ VHTTDL; Giám đốc Nhà sáng tác Nha Trang bà Đỗ Thị Mai Hương; cùng 13 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc gồm: Nguyễn Trọng Tân, Mai Nam Thắng, Lê Huy Quang, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Xuân Hùng (Hà Nội), Trầm Hương, Nguyễn Minh Ngọc, Châu La Việt (TP. Hồ Chí Minh), Huỳnh Thạch Thảo (Phú Yên), Quỳnh Nga (Hà Tĩnh), Phùng Phương Quý (Phú Thọ), Phạm Trường Thi (Nam Định) đã hoàn thành một khối lượng công việc khá lớn tác phẩm đã được ấp ủ, phác thảo từ trước khi mang đến trại viết lần này.
 
Trước hết cần phải kể đến nhà văn Nguyễn Trọng Tân, người có thời gian khá dài làm Phó trưởng Ban sáng tác của Hội nhà văn Việt Nam. Ông từng là người lính và có nhiều tác phẩm viết về người lính. Gần đây ông vừa mới cho ra mắt tiểu thuyết “Thư về quá khứ” cũng viết về người lính, ít nhiều gây được tiếng vang trong dư luận. Tham gia trại lần này ông đã kịp hoàn thành bản thảo tập truyện ngắn viết về chiến tranh và người lính. Đồng thời ông cũng trình làng đề cương tiểu thuyết mới “Thư về tương lai”, dự định sẽ hoàn thành và xuất bản trong thời gian sớm nhất.
 
Nhà văn Châu La Việt không chỉ mang về trại hai tập sách còn thơm mùi mực in là tiểu thuyết “Triền dâu xanh ngát” (NXB Quân đội nhân dân) và tập truyện ngắn viết về chiến tranh “Huyền ảo trăng” (NXB Văn học), mà đã chấp nhận “trói mình” vào bàn chỉnh sửa liền hai tuần cho bằng xong tập ký sự 350 trang “Bài ca ra trận” và tiểu thuyết “Mùa hạ”. Ngoài ra anh cũng đã hoàn thành đề cương tiểu thuyết “Tiểu đoàn 11” như một ký ức của chính anh trong những ngày là lính tiểu đoàn này chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn, Bắc Lào.
 
Nhà thơ Mai Nam Thắng, tác giả của trường ca “Cổ tích làng Cát” trước đây từng được giải thưởng Bộ Quốc phòng 1999-2004, nay ông đang khẩn trương hoàn thành trường ca mới mang tên “13 niệm khúc”, ca ngợi sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ bộ đội thông tin liên lạc đã anh dũng hy sinh ở Lèn Hà trên quê hương Quảng Bình của ông năm xưa.
 
Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc ngoài việc tiếp tục hoàn chỉnh khâu cuối của bộ tiểu thuyết nhiều tập rất bề thế mang tên “Cao hơn bầu trời” viết về các chiến sỹ không quân trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” Hà Nội 1972. Cũng cần nói thêm rằng đây là bộ tiểu thuyết được chuyển thể từ kịch bản của 50 tập phim truyện cùng tên đã được của Hãng phim Giải phóng quay và sắp ra mắt công chúng trên VTV1. Ngoài ra ông cũng gấp rút hoàn thành bộ tiểu thuyết 300 trang mang tên “Đa Kao” viết về cuộc tổng tiến công trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Sài Gòn.
 
Với nữ nhà văn Trầm Hương, có thể nói đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là đề tài ruột của chị, mang lại cho chị nhiều giải thưởng cao quý. Ở trại viết lần này, chị đã hoàn thiện một tập sách viết về những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chị tâm sự: “Tôi đánh giá rất cao những người tổ chức những trại viết thế này. Vì theo nhìn nhận của tôi, nghiệp viết đã ít người, viết đề tài chiến tranh cách mạng còn ít nữa. Đã thế, việc quảng bá, khuyến khích các cây bút viết về đề tài này cũng còn quá ít, thỉnh thoảng có giải thưởng để an ủi, động viên rồi lại quên lãng đi. Thế nên, những trại viết như thế này là cơ hội, là niềm động viên và tạo hứng khởi rất nhiều cho chúng tôi…”
 
Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Yên, dù mái tóc đã có nhiều sợi bạc và phải đeo kính, nhưng ông vẫn tự nhận mình là cây bút trẻ và rất tâm huyết với đề tài chiến tranh và người lính. Còn nhà văn Phùng Phương Quý, Phú Thọ đã kịp hoàn thành tiểu thuyết “Cơm Bắc giặc Nam”...
 
Nhà lý luận, phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên đã thông tin cho tất cả các thành viên dự trại biết ông vừa hoàn thành bộ sách “Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in và phát hành từ tháng 3-7/2017. Bộ sách gồm 2 quyển, với 40 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đã vinh dự đươc Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh từ năm 1996-2016 qua những đóng góp to lớn của nhiều thế hệ nhà văn cho nền văn học cách mạng nước nhà từ khi có Đảng lãnh đạo. Trong đó 3/4 số nhà văn đã từng là cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, có người trước khi nghỉ hưu đã từng là lãnh đạo cấp cao ở các bộ, ngành, có người được nhà nước phong quân hàm tướng. Tham gia trại viết lần này ông có dự định hoàn thành tiểu thuyết viết về cuộc sống và chiến đấu của những người lính thuộc Đoàn vận tải quân sự 559 phía Tây Trường Sơn, Nam Lào với tên gọi “Tôi là người lính”. Tuy nhiên, những ngày ở trại, ông đã có thêm cảm hứng để hoàn thành nốt tập lý luận phê bình mang tên “Nhà văn áo lính”, nhằm giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài quân đội 40 nhà văn, gồm những người một thời mặc áo lính trước khi họ trở thành nhà văn, có nhiều đóng góp cho nền văn học nước nhà thời trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chống quân xâm lược Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Dự kiến tập sách dày khoảng 400 trang và sẽ được xuất bản vào năm tới.
 
Trại sáng tác văn học đề tài “Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng” 2017 mang tới một niềm hy vọng lớn sẽ có nhiều tiểu thuyết và trường ca có nhiều khám phá và khái quát được phần nào về hình tượng người cầm súng trong các cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại mà cả dân tộc ta đã đi qua. Hy vọng trong thời gian tới, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân sẽ có thêm những ấn phẩm mới, bề thế đồng điệu với tâm hồn người chiến sĩ hôm nay đang ngay đêm giữ yên biển trời và mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam ngàn đời yêu dấu và những tác phẩm ấy sẽ mang hơi thở cuộc sống hôm nay đồng hành cũng bạn đọc trong cả nước.
 
Trong cuộc hội thảo và giao lưu kết thúc trại, nhà văn Châu La Việt kiến nghị các cấp có thẩm quyền tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho các thể lọai dài hơi như tiểu thuyết và trường ca, mở thêm những trại viết có chất lượng và mời thêm những nhà văn nhà thơ từng mặc áo lính, từng có những tác phẩm xuất sắc về người lính và vẫn tha thiết với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
 
Kết thúc trại viết, Ban tổ chức đã thu được 17 bản thảo tác phẩm hoàn chỉnh để nộp cho Nhà sáng tác Nha Trang và cũng là những tác phẩm sẽ được lần lượt ra mắt công chúng yêu thích văn chương trong và ngoài quân đội trong thời gian sớm nhất./.
 
 
 
Theo Ngọc Đỗ - Tổ quốc
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng