Tái hiện phần Lễ.
Bơi chải là hoạt động truyền thống của người dân Phú Thọ khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm, cộng đồng, về sức mạnh truyền thống của dân tộc.
Điều đặc biệt của bơi chải chính là chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng sông nước, là dịp để nhân dân nêu cao tinh thần thượng võ dân tộc, luyện tay nghề, bản lĩnh của nghề sông nước, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm đồng thời gửi gắm những khát vọng của cuộc sống.
Phần Lễ được tái hiện với nghi thức lễ tế 3 vị thần: Đức Thánh Cả, Đức Thánh Bà và Đức Thánh Hai để kính cáo, xin phép Tam vị đại vương cho mở lễ hội bơi chải được mọi điều thuận lợi, hanh thông, thuận buồm, xuôi gió, người người được bình an, tám tiết được hưởng hưng vinh, khang thịnh.
Ngay sau phần lễ 4 đội chải của các xã: Bạch Hạc, Sông Lô, Trưng Vương, Phượng Lâu với hơn 120 tay chèo đã tham gia thi đấu bơi chải. Các đội thi đấu theo thể thức đấu loại trực tiếp, sau đó chọn 2 đội vào chung kết, chia 2 lượt, tính thời gian bơi chải để xác định thành tích.
Các đội đua bám đuổi nhau quyết liệt.
Mỗi đội chải gồm có 27 người, trong đó có 24 tay chải, 1 người gõ mõ làm nhịp, 1 người cầm lái và 1 người tát nước. Với tinh thần thể thao “Đoàn kết, trung thực, cao thượng”, thể hiện quyết tâm “nhanh hơn, cao hơn, xa hơn” và khát vọng chiến thắng, các tay chèo đua tài, đua sức trên “đường đua xanh” dài 2 km trên hồ Đồng Mô trước sự cổ vũ vô tư, nhiệt tình của khán giả, cống hiến những đường đua đẹp mắt, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem.
Kết thúc lễ hội, Ban tổ chức đã trao giải nhất cho đội chải xã Bạch Hạc; giải nhì cho đội chải xã Phượng Lâu; đồng giải ba cho đội chải của xã Sông Lô và xã Trưng Vương.
Ban tổ chức trao giải cho các đội.
Lễ hội Bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ là hoạt động thiết thực và ý nghĩa do chính chủ thể văn hóa thực hiện nhằm giới thiệu tới du khách tham quan Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam những giá trị văn hóa đặc sắc - Nghệ thuật bơi chải, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, mang đậm dấu ấn văn hoá thời đại Hùng Vương, qua đó góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Với chủ đề "Vui Tết Độc lập", còn nhiều hoạt động thú vị khác diễn ra tại đây như: chợ Tết cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Tết rằm tháng Bảy của đồng bào dân tộc Dao, tái hiện "Lễ vào nhà mới" của đồng bào dân tộc Mông, Lễ tạ ơn của đồng bào dân tộc Chăm, trưng bày 100 bức ảnh với chủ để "Văn hóa đất Tổ - Cội nguồn văn hóa các dân tộc Việt Nam", chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc đặc sắc, các trò chơi dân gian. Đặc biệt là trưng bày đôi Khèn Mông lớn nhất Hà Nội (gần 7m/chiếc) do nghệ nhân dân tộc Mông chế tác. Các hoạt động diễn ra đến ngày 31/9 nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch.
Theo Lan Phạm (Ảnh: Phạm Hương) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch