Tin văn nghệ
Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”
15:04 | 11/09/2017

Sáng ngày 09/9/2017, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam đã diễn ra lễ ra mắt cuốn tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” của nhà văn Lê Hoài Nam. Nhiều người đồng tình rằng đây là tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp văn chương của nhà văn Lê Hoài Nam.

Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”
Nhà văn Lê Hoài Nam (giữa) trong buổi ra mắt sách
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc rất kỹ tiểu thuyết và mang đến những phát biểu quý báu, cả về mặt được và mặt chưa được.
 
Viết về một đề tài lịch sử rối ren đời Hậu Lê sau vụ án động trời làm tổn hao bút mực của các sử gia qua nhiều thời đại - “Lệ Chi Viên” (1442) - một thời kỳ “còn nhiều khoảng trống” về tư liệu lịch sử. Dưới góc độ của Lê Hoài Nam, ông đã tìm “cách tiếp cận” với lịch sử để không bóp méo lịch sử nhưng với nghệ thuật, nhà văn sáng tạo, xây dựng những tình tiết, chân dung nhân vật lịch sử để khắc họa rõ nét gương mặt họ với những tốt- xấu đan xen.
 
Nhà văn Sương Nguyệt Minh phát biểu: “Lịch sử chỉ là cái đinh để tôi treo lên đó trí tưởng tượng” - đó là quan niệm của nhà Alexandre Dumas. Có người còn nói: Khi sử gia chấm hết thì nhà văn viết tiếp. Tiểu thuyết lịch sử “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” của Lê Hoài Nam tiếp cận theo hướng lịch sử chỉ là cái cớ để nhà văn truyền tải thông điệp của mình. Vì sao các lão thần Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục lại phò Bang Cơ được cho là không phải dòng giống của vua Lê Thái Tông, mà chẳng phải là một giọt máu chính thống khác. Có thể lúc đầu, các ông muốn yên thân bởi bàn tay đẫm máu của Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh. Nhưng, càng về sau thì các ông nhận ra Bang Cơ là vua hiền, nên cúc cung phò trợ. Điều đó trái với lẽ trung quân, nhưng lại thuận với ái quốc Nho giáo hơn 500 năm trước”.
 
Trong giai đoạn lịch sử ấy, các đại thần đã lấy lợi ích quốc gia làm đầu. Khi Nghi Dân cướp ngôi, giết Bang Cơ, chỉ sáu tháng Nghi Dân làm nhiều chuyện gian ác, các lão thần lại lật nhào ngôi vua này, dù Nghi Dân là chính thống - con trưởng của Lê Thái Tông, và chọn hoàng tử Tư Thành lên kế vị. Quả nhiên: Lịch sử có được một ông vua sáng rực rỡ Lê Thánh Tông, mà muôn đời sau phải kính phục. 
 
Đại sự quốc gia bất vị thân là thế! Nhiều nhà văn đồng quan điểm cho rằng: Tư tưởng lớn nhất và cái được của tiểu thuyết lịch sử “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” của Lê Hoài Nam chính là điểm đột sáng này.
 

Ra mắt tiểu thuyết lịch sử “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” - ảnh 2
Bìa sách

Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhấn mạnh: Cái ánh sáng rực rỡ của “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” chính là tư tưởng “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, được chính Nguyễn Trãi khắc ghi trong “Đại cáo bình ngô”. Thời nào thì lịch sử cũng ghi lại những tấm gương tiêu biểu cho khí phách, tiết tháo của kẻ sĩ - các đại thần, những nhà sử học lừng danh triều Lê như Đinh Liệt, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Ngô Sỹ Liên…
 
Không giống những buổi ra mắt sách thông thường, lễ ra mắt tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” giống một hội thảo hơn, bởi nhiều ý kiến sôi nổi, trao đổi thẳng thắn những cái được và chưa được của tiểu thuyết. Đó không chỉ là thành công của Ban tổ chức, cá nhân nhà văn Lê Hoài Nam, mà còn chứng tỏ sự trở lại đầy khởi sắc của dòng văn học lịch sử.
 
 
Theo Nguyễn Văn Học - Tổ quốc
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng