Trong lời nói đầu, Giáo sư Hà Minh Đức bộc bạch: “Với nhà thơ Lưu Trọng Lư, tôi chỉ được gặp, hỏi chuyện tác giả một số lần; nhưng phần có được, cộng với ý kiến của tác giả qua cuộc trò chuyện với các bạn văn đủ nói lên quan điểm nghệ thuật có giá trị của Lưu Trọng Lư…
Trong tập sách (Một thế hệ Vàng trong thơ Việt Nam hiện đại) tôi có chủ định đưa Lưu Trọng Lư vào cùng với các nhà thơ nổi tiếng khác. Song chưa làm được vì luận bàn về thơ Lưu Trọng Lư không dễ, vả lại tác giả là cây bút đa tài, sáng tác nhiều lĩnh vực tiểu thuyết, kịch. Thời gian đã ủng hộ tôi để hôm nay được giới thiệu nhà thơ Lưu Trọng Lư với tinh thần trân trọng, cảm mến và được xem tác giả như một thành viên của thế hệ Vàng trong thơ Việt Nam hiện đại.
Với sự cầu thị như vậy, Giáo sư Hà Minh Đức đề cập chủ yếu “phần thơ của Lưu Trọng Lư” và dành một phần đáng kể, tập hợp bài viết về Lưu Trọng Lư của Lưu Trọng Văn (con trai thứ của nhà thơ), một số bài bình về Lưu Trọng Lư của các nhà văn - nhà thơ có tên tuổi cùng thời với nhà thơ.
Hà Minh Đức đánh giá: Lưu Trọng Lư là một trong số ít kiện tướng trong phong trào Thơ Mới. Ông có mặt trong thời điểm văn chương có những chuyển động lớn khi bước vào thời kỳ hiện đại. Những giá trị tinh thần đã lỗi thời nhưng vẫn còn tồn tại, bên cạnh cái mới tươi trẻ và giàu sức sáng tạo. Lưu Trọng Lư năng động đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của văn hoá, làm thơ, viết báo, viết văn… nhưng ấn tượng sâu đậm với người đọc vẫn thuộc về thơ.
Ông là nhà thơ mới ít chịu ảnh hưởng của thơ ca phương Tây. Lưu Trọng Lư vẫn đến được với thơ ca hiện đại nhưng lại theo một nẻo đường khác với Xuân Diệu, Huy Thông, Hàn Mặc Tử. Thơ Lưu Trọng Lư là một mạch từ nguồn thơ ca truyền thống, đặc biệt là giọng điệu, thể loại và ngôn từ…
“Mỗi lần nắng mới hắt bên song/ Xao xác gà trưa gáy não nùng/ Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng/ Chập chờn sống lại những ngày không”. Sắc vàng đã quy tụ trong thơ Lưu Trọng Lư: “Bóng nai vàng trên rừng thu xào xạc”. Mùa thu khơi gợi những cảm xúc thầm kín của những tâm hồn đa cảm: “Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô?”.
Nói đến Lưu Trong Lư là nói đến thơ tình, điểm đột phá là sự trộn hoà giữa tình yêu say đắm và lẽ sống nhân bản. Trong bản chất của toàn bộ sáng tác của Lưu Trọng Lư trước Cách mạng, nhất là với thơ, vẫn còn lại cái cốt của một hồn thơ yêu đời. Cách mạng tháng Tám - mùa thu lớn của dân tộc, đã giải thoát nhà thơ khỏi những tù túng, buồn tủi của cuộc đời cũ, trả lại cho ông lẽ sống và nhân phẩm cao đẹp: “Gió thu sáng mặt sáng mày/ Trang vui lần giở trang đắng cay vơi dần/ Buồn xưa vuốt khẽ tiếng ngân/ Vui nay rộn rã mấy vần thơ say”.
Ngòi bút của Hà Minh Đức dõi theo đường thơ của Lưu Trọng Lư từ tháng 8/1945 cho đến mãi về sau. Lưu Trọng Lư nhận ra và cảm phục những tấm gương của những con người mới trong chiến đấu và sản xuất. Một Lưu Trọng Lư của tình và mộng, của tủi buồn và cô đơn đã thay thế bằng một Lưu Trọng Lư của tình yêu và trách nhiệm, của niềm vui và hy vọng. Cũng từ đấy, hình ảnh người phụ nữ ngày càng được miêu tả đậm nét trong thơ ông. Người con gái sông Gianh, cô du kích gan dạ, dũng cảm mà giàu xúc cảm yêu thương: “Em là ai?/ Minh Cầm hay Cảnh Hoá/ Thuận Bài hay Thổ Ngoạ… Súng nhảy trên vai tóc vờn trước gió”.
Hầu như mỗi bước đi mới của Lưu Trọng Lư trên con đường phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân đều được Hà Minh Đức đề cập trong các bài viết của mình. Từ “Thơ kháng chiến chống Pháp” đến tập thơ “Người con gái sông Gianh”, kịch thơ “Tuổi hai mươi”, “Hồng Gấm” thời chống Mỹ cứu nước, từ những tiểu thuyết viết thời chống Pháp đến tập tiểu luận “Mùa thu lớn”.
Tác giả dẫn lời nhà thơ Tố Hữu: “Riêng với anh Lưu Trọng Lư thì được cả hai. Thơ tình của anh Lư hay, người tình trong thơ cũng đẹp và chị Lư cũng đẹp và tài hoa”. Bởi thế trong cuốn sách về Lưu Trọng Lư hôm nay, giáo sư Hà Minh Đức mở đầu bằng một bài viết với một nhan đề thật đẹp “Lưu Trọng Lư – Tình đời và mộng đẹp”.
Nhà nghiên cứu văn học Hà Minh Đức nổi tiếng với những trang ghi chép tỉ mỉ, trung thực các cuộc trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ lớn. Với Lưu Trọng Lư cũng vậy. Ông giới thiệu trong tập sách này cuộc trò chuyện với tác giả “Tiếng thu” về giai đoạn văn học Việt Nam trước cách mạng tháng 8/1945, đặc biệt là phong trào Tự lực Văn đoàn. Điều mà Lưu Trọng Lư lưu ý khi nói về Tự lực Văn đoàn là phải tìm ở họ cái gì của Việt Nam. Tác phẩm của Tự lực Văn đoàn có ý thức khai thác cảnh vật, con người Việt Nam. Cốt truyện, con người đều gắn với những chuyện xảy ra trong cuộc đời. Thiên nhiên trong nhiều tác phẩm của Tự lực Văn đoàn rất đẹp, đó là thiên nhiên của nhiều miền quê Việt Nam.
Cùng với những ghi chép về Lưu Trọng Lư của mình, trong tập sách này, Hà Minh Đức còn trân trọng giới thiệu phần nói về Lưu Trọng Lư trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân, của Vũ Ngọc Phan trong tập “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, của các nhà văn nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học sau này nói về thi pháp Lưu Trọng Lư, về con người và tác phẩm của Lưu Trọng Lư… Đây là một tập hợp tư liệu rất quý đối với những ai không có điều kiện tiếp xúc với Lưu Trọng Lư, người nghệ sĩ đa tài, đa tình, đặc biệt là với lớp trẻ yêu văn học hôm nay.
Không hiểu sao, khi đọc những trang viết trong tập “Lưu Trọng Lư - Tình đời và mộng đẹp” của Giáo sư Hà Minh Đức, người viết bài này nhớ tới một câu thơ của Tố Hữu “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/ Hơn nghìn trang giấy luận văn chương”. Từ “tháp ngà” của phong trào Thơ Mới, Lưu Trọng Lư đã cùng với bạn bè văn chương của ông, gạt bỏ mọi ưu tư sầu muộn, gạt bỏ mọi cái riêng, để đi theo tiếng gọi của non sông, cùng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ vì tự do của dân tộc, vì độc lập của đất nước.
Cũng là một chủ ý, Giáo sư Hà Minh Đức chọn nhà xuất bản Thuận Hoá, nơi xuất bản tập sách “Một thế hệ Vàng trong thơ Việt Nam hiện đại”, để xuất bản kỷ niệm cuối cùng của mình với Lưu Trọng Lư. Tập sách ra đúng vào mùa thu. “Anh nghe chăng mùa thu”… dường như Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức, nay đã bước vào tuổi 85, nhắn với tác giả “Tiếng thu” như vậy./.
Theo Thanh Vũ - Vov.vn