Lê Hoàng Bích Phượng (SN 1984) từng để lại ấn tượng trong lòng khán giả yêu nghệ thuật qua triển lãm gốm, sứ “Trắng, Đen & Vàng”; sự độc đáo với nghệ thuật thêu tay trên mặt lụa trong triển lãm “Giấc mơ mẫu đơn”. Mới đây, cô vừa đem trình làng triển lãm “Bên kia những ngọn đồi” gồm một loạt tranh lụa và một tác phẩm sắp đặt. Đó là một phần nhật ký tâm lý bằng hình, là trải nghiệm cá nhân của cô về sự mất mát, về nhận thức bản ngã, về sự sống và cái chết.
- PV: Vì sao chị chọn đặt tên triển lãm là “Bên kia những ngọn đồi”?
Họa sĩ Lê Hoàng Bích Phượng: Trong tiếng Anh có một câu thành ngữ “The grass is always greener on the other side” - cỏ bên kia đồi bao giờ cũng xanh hơn, tương tự như câu thành ngữ Việt Nam: “Đứng núi này trông núi nọ”. Chúng ta luôn tìm kiếm, mong chờ những điều tốt đẹp hơn mang tính ngoại cảnh và ta để những yếu tố ngoại cảnh ấy tác động vào bản thân một cách vô thức.
Rồi trong ta sinh ra những cảm xúc mang tính chất tiêu cực. Ta quên đi mất yếu tố quan trọng nhất là nội tâm. Đối với tôi, khi nội tâm yên ổn thì mọi chuyện đều sẽ tốt đẹp! Điều này nói ra có vẻ rất dễ nhưng để thấu hiểu và thực hiện thì lại khó vô cùng.
- Khán giả xem tranh chị được thả hồn vào thiên nhiên và từ thiên nhiên ấy rung cảm: mặt trăng, những ngọn đồi, những cánh rừng… Lý do gì khiến chị chọn những hình ảnh ấy?
Lúc ông tôi trút hơi thở cuối cùng và ra đi, tôi tự hỏi điều gì đang xảy ra? Ông đã bao giờ nghĩ về điều ông muốn làm cho chính ông trong cuộc đời này chưa? Hay chỉ là việc nuôi con và kiếm tiền cho gia đình? Tại thời điểm đó - khi mọi người đang ngồi cùng nhau - tôi thấy một khung cảnh này, một vầng trăng tròn, bên trên cánh rừng.
Triển lãm “Bên kia những ngọn đồi” của họa sĩ Lê Hoàng Bích Phượng đang diễn ra tại không gian nghệ thuật Manzi (số 14 Phan Huy Ích, Hà Nội) đến hết ngày 2-10-2017.
|
Trong “Bên kia những ngọn đồi”, tất cả các tác phẩm đều mang tính chất rất riêng tư. Cũng khá thú vị, kiểu như tôi đóng vai trò bác sĩ tâm lý cho chính tôi vậy. Các tác phẩm giống như tranh nhật ký mà tôi ghi chép lại những cảm xúc, trải nghiệm để tìm hiểu về bản thân bằng cách phân tích những sự kiện xảy ra trong quá trình sáng tác.
Sau đó, tôi vừa vẽ vừa tự phân tích vấn đề, mâu thuẫn của chính tôi. Tất nhiên, màu sắc, hình ảnh hay biểu tượng trong tranh cũng như văn phong của người viết văn. Mỗi người sẽ có những cách viết hay vẽ khác nhau, qua đó mà thể hiện ý tứ của họ và tùy theo từng thời kỳ nữa.
Một góc trong tác phẩm sắp đặt “Những kẻ xâm chiếm” thuộc triển lãm “Bên kia những ngọn đồi”
- Khi chọn vẽ màu nước trên lụa, chị thấy khó và dễ ở điểm gì?
Từ khi tốt nghiệp đến nay, tôi đã thực hành nghệ thuật được 7 năm rồi. Lụa cũng như các chất liệu khác, đều có những phần khó dễ khác nhau. Theo tôi thì vẽ tranh lụa không khó vì các bước vẽ lụa đều rất cơ bản. Từ đó, mỗi người nghệ sĩ sẽ có cách phát triển kỹ thuật của riêng họ. Tuy nhiên, điều khó nhất ở tranh lụa là nó đòi hỏi sự kiên nhẫn cao. Khi tôi vẽ tranh lụa, tôi đòi hỏi một không gian thật yên tĩnh để tôi có thể hết sức tập trung vào từng lớp, từng lớp màu.
- Vì sao chị quyết định kết hợp cả tranh lẫn tác phẩm sắp đặt trong cùng một triển lãm?
Tranh và tác phẩm sắp đặt cùng với nhau, tại sao không? Ngay từ lúc theo đuổi sự nghiệp sáng tác, tôi chưa từng nghĩ ngợi về việc này cũng không muốn giới hạn chỉ tranh hoặc sắp đặt hay chỉ điêu khắc hoặc video… tất cả đều là những công cụ giúp người nghệ sĩ nói lên quan điểm.
- Hẳn là chị đã ưng ý với triển lãm “Bên kia những ngọn đồi” hay chưa? Sắp tới chị có dự định nào mới?
Tôi vẫn sẽ tiếp tục đào sâu hơn bên trong mình về các ngọn đồi, những giới hạn của bản thân. Tuy nhiên, tôi sẽ luôn đón nhận những điều mới, những ý tưởng bất chợt dù có liên quan đến “Bên kia những ngọn đồi” hay là không.
- Là một họa sĩ đương đại, chị có mong muốn gì gửi gắm tới các khán giả thưởng thức nghệ thuật?
Tôi mong nhiều người quan tâm tới mỹ thuật hơn, tìm hiểu về nghệ thuật với bất kỳ lý do gì. Xin đừng ngại đến xem và cảm nhận các tác phẩm nghệ thuật bằng chính cảm xúc của họ bất kể cảm xúc ấy có phản ánh khác biệt với tác phẩm hay không vì khi ấy là ta đã phần nào thêm gần gũi với nghệ thuật.
- Cảm ơn và chúc chị thành công!
Theo An ninh Thủ đô