Bà Novák Katalin, Quốc vụ khanh Bộ Nguồn nhân lực Quốc gia Hungary trao Huân chương cho dịch giả Giáp Văn Chung. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/Vietnam+)
Lễ trao được tiến hành chiều 25/9, tại Bảo tàng Mỹ thuật, số 66 phố Nguyễn Thái Học, quận Ba Đình, Hà Nội, kết hợp với triển lãm Sứ đương đại của Hungary.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Orbán Viktor và Đoàn cao cấp Chính phủ Hungary, diễn ra trong ba ngày từ 24-26/9.
Trong buổi lễ, Huân chương Công trạng của Nhà nước Hungary đã được bà Novák Katalin, Quốc vụ khanh Bộ Nguồn nhân lực Quốc gia Hungary trao cho dịch giả Giáp Văn Chung. Sự kiện này có sự hiện diện của bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Việt Nam, cùng đông đảo quan khách và các bạn hữu.
Theo Quyết định do Tổng thống Hungary Áder János ký hôm 24/7 vừa qua, việc trao phần thưởng cao quý này cho tiến sỹ Giáp Văn Chung là sự tưởng thưởng những cố gắng của dịch giả "cho sự truyền bá văn học Hungary tại Việt Nam, cũng như cho hoạt động làm sâu sắc thêm những mối quan hệ hữu nghị và văn hóa giữa hai dân tộc."
Dịch giả Giáp Văn Chung, sinh năm 1953, tại Hà Bắc. Năm 17 tuổi, ông được cử đi học tại Hungary, ngành Ðầu máy Toa xe thuộc Khoa Giao thông của Ðại học Kỹ thuật Budapest và tốt nghiệp năm 1976.
Trở về Việt Nam năm 1976, tiến sỹ Giáp Văn Chung được phân công làm công tác giảng dạy tại Ðại học Giao thông Hà Nội.
Năm 1988, ông Giáp Văn Chung trở lại Hungary để bảo vệ luận án tiến sỹ. Sau đó, ông quyết định chọn mảnh đất này làm quê hương thứ hai và như rất nhiều đồng nghiệp khác, ông buộc phải rời bỏ công tác khoa học, mưu sinh bằng con đường kinh doanh.
Tuy nhiên, bên cạnh việc bươn chải kiếm sống, ông vẫn theo đuổi đam mê từ thời nhỏ: đọc sách và dịch thuật.
Do có năng khiếu về ngôn ngữ nên ngay từ khi mới sang Hungary du học, Giáp Văn Chung đã nhanh chóng tiếp cận với cuộc sống và con người, cùng những tác phẩm văn học của nước bạn.
Ông bắt đầu đọc và dịch một số bài thơ, truyện ngắn của văn học Hungary, cho dù chỉ là để đó vì "chẳng biết đưa đi đăng ở đâu” (lời ông).
Tuy nhiên, giai đoạn đầu kéo dài hai chục năm ấy khiến Giáp Văn Chung có cơ hội tích lũy những kiến thức sâu sắc về nền văn học Hungary, giúp cho ông có vốn từ, vốn kiến thức tổng hợp phong phú, để tới khi có dịp đăng tải những dịch phẩm trên báo chí cộng đồng ở Hung cuối thập niên 90, ông đã trở thành một cây bút dịch thuật vững chãi.
Dịch giả Giáp Văn Chung cùng các bạn trong buổi lễ. (Ảnh: Nguyễn Hoàng Linh/Vietnam+)
Mở đầu với tác phẩm kinh điển "Những ngọn nến cháy tàn" vào năm 1997, Giáp Văn Chung đã liên tục cho ra mắt những tác phẩm dịch quan trọng của văn học Hung thế kỷ 20, thoạt tiên là của hai tên tuổi lừng lẫy trên văn đàn nước này: bậc thầy văn xuôi và tản văn Márai Sándor và Kertész Imre, giải Nobel Văn chương năm 2002.
Thông qua ngòi bút dịch của Giáp Văn Chung, độc giả Việt Nam có dịp tìm hiểu văn học Hungary, một nền văn học rất đặc biệt, được viết bằng thứ ngôn ngữ rất khó, nhưng cũng vô cùng tinh tế, giàu tính biểu cảm.
Với tác phong cẩn trọng của một người làm khoa học, Giáp Văn Chung quan niệm phải dịch kỹ, đầy đủ và thật dụng công với từng câu chữ.
Những tác phẩm được ông chuyển ngữ gần đây nhất - "Cánh cửa" của "bà hoàng văn học Hungary" Szabó Magda và "Chiến tranh và chiến tranh" của Krasznahorkai László, một cây bút được coi là "quái kiệt" của văn học hiện đại Hung, cũng nằm trong dòng những kiệt tác văn chương cận hiện đại rất "nặng ký" và khó dịch của Hungary.
Bên cạnh việc chuyển ngữ các tác phẩm Hungary ra tiếng Việt, Giáp Văn Chung cũng là dịch giả nhiều truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Thân, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Ngọc Tư..., được đăng tải trên các tạp chí văn học và tuyển tập văn học tại Hung.
Là người nhiệt tình tham gia các hoạt động trao đổi văn hóa, văn nghệ giữa Việt Nam và Hungary, năm 2010 Giáp Văn Chung tham gia Số đặc biệt về văn học Hungary của tạp chí “Văn học Nước ngoài” (Hà Nội) và là đồng chủ biên tuyển tập truyện ngắn Việt Nam "Tướng về hưu," ấn hành năm 2012 tại Budapest trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Hội Nhà văn Việt Nam và Hungary.
Nỗ lực không mệt mỏi của Giáp Văn Chung cho những hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa Hungary tại nước ngoài đã được Nhà nước Hungary đánh giá cao với giải thưởng “Pro Cultura Hungarica” (Vì nền văn hóa Hungary) vào tháng 8/2011.
Với Huân chương Công trạng Chữ thập vàng lần này, một lần nữa, cố gắng của dịch giả lại được nước bạn Hungary ghi nhận.
Theo Nguyễn Hoàng Linh - Vietnam+