Tin văn nghệ
Chuyên luận đầu tiên về Y Phương trong hành trình sáng tạo văn chương
15:49 | 27/09/2017

“Y Phương - sáng tạo văn chương từ nguồn cội” ra đời vào thời điểm rất ý nghĩa - người con làng Hiếu Lễ bước vào tuổi “xưa nay hiếm” cùng hành trình sáng tạo bền bỉ gần nửa thế kỷ.

Chuyên luận đầu tiên về Y Phương trong hành trình sáng tạo văn chương
Bìa cuốn chuyên luận
Cuốn sách “Y Phương - sáng tạo văn chương từ nguồn cội” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 9/2017) là chuyên luận đầu tiên nghiên cứu về toàn bộ sự nghiệp sáng tác (tính cho đến thời điểm này) của nhà thơ Y Phương - người con dân tộc Tày sinh ra và lớn lên ở làng Hiếu Lễ (Cao Bằng). Tác giả chuyên luận trên là ba Tiến sĩ Ngữ văn người dân tộc Kinh: TS. Nguyễn Huy Bỉnh, TS. Nhà văn Lê Thị Bích Hồng và TS. Đỗ Thị Thu Huyền, cùng chuyên ngành Lý luận phê bình của Hội Văn học, Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với niềm đam mê văn học dân tộc thiểu số, bằng thao tác nghiên cứu khoa học thuần thục, nghiêm túc nhóm tác giả đã nghiên cứu và chứng minh đầy sức thuyết phục những đóng góp, cống hiến quan trọng của nhà thơ Y Phương cho văn học dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng và nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
 
Với niềm đam mê văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam giàu bản sắc, độc đáo, không hẹn mà gặp, ba nhà nghiên cứu dân tộc Kinh cùng chung ý tưởng, cùng chọn đối tượng mình yêu mến, cùng hợp sức “tấn công”, làm một cuộc “đại phẫu ngoạn mục” văn chương Y Phương dưới góc nhìn văn hóa, hướng đến để làm rõ giá trị nghệ thuật đích thực trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông.
 
Ba tác giả đã đánh giá chân xác “Thơ ca là nơi Y Phương định vị, neo đậu, “đặt cược” cuộc đời mình. Chính thơ đã giúp nhà thơ Tày khẳng định tên tuổi để trở thành nhà thơ có phong cách riêng. Cho đến bây giờ, Y Phương vẫn không thôi niềm đam mê THƠ như đặt cược cả cuộc đời mình vào đó. Bởi thế, nhà thơ Tày đã nỗ lực cách tân thơ, nỗ lực sáng tạo, nỗ lực đi tìm cái đẹp, nỗ lực tìm ra tầng vỉa mới độc đáo… là để góp phần làm rạng danh văn học Tày”[1]. Đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật ở lĩnh vực thi ca (2007), nhưng Y Phương vẫn không ngừng khắc khoải tìm cách viết mới ngoài thơ. Vịn câu nói của cổ nhân người Tày "Chỗ nào còn nước thì làm ruộng, hết nước thì làm rẫy", với niềm đam mê sáng tạo không ngừng nghỉ, ông lặm lụi, thử sức và “lấn sân” sang cả lĩnh vực văn xuôi (tản văn và phê bình văn học) và đã thành công khi được ghi nhận bằng Giải nhì (không có giải Nhất) của Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho tản văn “Fừn nèn - củi tết” (năm 2016). Tác phẩm của Y Phương được đông đảo bạn đọc đón nhận và đánh giá cao trên mọi phương diện. Bởi thế, sáng tác của ông đã trở thành đối tượng nghiên cứu, học tập của đông đảo các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên, học sinh và người yêu văn chương.
 
Như đã nói ở trên, mặc dù đã có nhiều công trình khoa học chọn tác phẩm của Y Phương làm đối tượng nghiên cứu (luận án, luận văn, khóa luận…), song đó mới chỉ là lát cắt về từng mảng miếng trong sáng tác của ông vẫn thường thấy xuất hiện, như: Về thể loại (thơ, trường ca, tản văn, phê bình); từ góc độ văn hóa (bản sắc văn hóa dân tộc, tín ngưỡng dân gian Tày, Phong tục tập quán Tày…); về phong cách nghệ thuật… Có thể nói cho đến thời điểm này, chưa có một công trình khoa học nào đánh giá toàn bộ văn nghiệp Y Phương. Vì thế, có thể khẳng định cuốn sách “Y Phương - sáng tạo văn chương từ nguồn cội” chính là chuyên luận đầu tiên đánh giá đầy đủ, toàn diện toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Y Phương trong hành trình sáng tạo văn chương (tính đến thời điểm này). Có thể mỗi người mang văn phong khác nhau, nhưng trong công trình này họ đã phối hợp hết sức ăn ý, nhịp nhàng, hợp lý để cùng sở hữu một công trình khoa học có giá trị về nội dung và tư tưởng nghệ thuật thống nhất, logic mà người đọc không cảm thấy gợn, khó thấy những mối nối.
 
Kết cấu chuyên luận gồm bốn phần: Phần một là những phác họa về con người và sự nghiệp của Y Phương; Phần hai là những nội dung được phản ánh trong tác phẩm Y Phương; Phần ba là những biểu tượng cơ bản, nổi bật nhất trong sáng tác Y Phương; Phần bốn là thế giới nghệ thuật trong tác phẩm Y Phương. Toàn bộ chuyên luận đều có phần mở đầu và kết luận hợp lý, chặt chẽ.
 
Trong Phần I, nhóm tác giả đã lý giải có lý, có tình hành trình sáng tạo văn chương của Y Phương từ hoàn cảnh gia đình, năng khiếu văn chương, lý do thôi thúc ông trên hành trình sáng tạo để xác lập một sự sự nghiệp văn chương bền vững, độc đáo. Mảnh đất Co Xàu (tên gọi cũ của huyện Trùng Khánh) với nền văn hóa truyền thống độc đáo luôn khơi nguồn sáng tạo cho “Người con làng Hiếu Lễ”. Hành trình sáng tác gần nửa thế kỷ, đến nay tên tuổi Y Phương đã có vị trí vững chắc trong lòng bạn đọc, ghi một dấu mốc không thể thay thế trong tiến trình phát triển của văn học hiện đại các dân tộc thiểu số. Là nhà văn nghiêm túc với nghề, Y Phương tâm sự về lối tư duy không bó hẹp trong những “khuôn đúc”: “Tôi luôn nghĩ như cha ông tôi nghĩ. Tôi đã làm như cha ông tôi làm. Nghĩa là tôi tư duy theo kiểu dân tộc Tày. Chầm chậm. Từ từ. Không vội vàng. Không nôn nóng. Thích sống lặng kẽ, khiêm tốn. Không thích sự ồn ào. Ghét sự giả dối lừa gạt. Tôi xem sự giả dối như một hành vi ăn cắp. Ăn cắp lòng tin. Tôn quý trọng tình người. Không coi của cải vật chất làm trọng. Dân tôi có câu cửa miệng “Tiền bạc như đất cỏ, mặt mũi tựa ngàn vàng”.
 
Ở Phần II, bằng thao tác khoa học, nhóm tác giả đã phân tích thấu đáo những góc độ cuộc sống phản chiếu trong văn chương Y Phương, như: Tín ngưỡng dân gian Tày - Thế giới tâm linh bí ẩn được khai mở trong tác phẩm (Tín ngưỡng hồn vía, Tín ngưỡng ma quỷ, thần linh…); những phong tục tập quán văn hóa độc đáo của “người đồng mình” (phong tục tập quán liên quan đến vòng đời con người, phong tục tập quán trong cộng đồng…); những vấn đề biến đổi văn hóa Tày khiến văn hóa truyền thống bị mai một (biến đổi văn hóa hữu hình, biến đổi văn hóa vô hình). Ông đặc biệt chú ý đến những yếu tố tâm linh và lý giải việc tồn tại của nó trong đời sống văn hóa tinh thần người Tày giai đoạn hiện tại hướng đến cuộc sống nơi trần thế và tái hiện cuộc sống tinh thần con người với Mường trời và Mường âm. Đặc biệt, thơ tình yêu -Phép cộng của thơ và tình yêu đã làm nên một nét phong cách trong sáng tác của ông với hương vị thơ tình yêu và yếu tố phồn thực. Từ tình yêu với quê hương - Mạch nguồn vô tận trong văn chương Y Phương, nhóm tác giả đã đề cập đến vấn đề hòa hợp dân tộc được thể hiện trong sáng tác của ông từ 10 năm trước với sự hòa giải và yêu thương.
 
Từ góc độ văn hóa, toàn bộ Phần III là hệ thống biểu tượng thể hiện trong văn chương Y Phương. Đó là biểu tượng đá - Con người gắn bó với quê hương;  biểu tượng lửa - Sự sống, tình yêu và khí phách; biểu tượng Mẹ Hoa - Vị thần bảo hộ sinh nở; biểu tượng mẹ - Người đàn bà sáng tạo sự sống; biểu tượng màu chàm/áo chàm - Sự gắn kết cộng đồng.  Đá, lửa, mẹ, Mẹ Hoa, áo chàm là những biểu tượng thiêng liêng, mang những ý nghĩa nhân sinh, Y Phương đã tiếp thu một cách sáng tạo hệ thống biểu tượng đó, dùng những sáng tác của mình truyền cho nó một đời sống thẩm mỹ được đào sâu, phong phú và độc đáo, qua đó tạo được những trường liên tưởng rộng, chuyên chở nhiều ý nghĩa mới mẻ, thú vị.
 
Thế giới nghệ thuật trong văn chương Y Phương thể hiện đầy đủ trong phần IV.  Từ việc khảo sát những tác phẩm của ông, tác giả đã minh chứng thuyết phục hành trình kiếm tìm các thể loại văn chương: Thơ - Khơi nguồn sáng tạo, Tản văn - Chiếu nghỉ giữa khoảng thơ, Trường ca - Trải nghiệm và kiếm tìm. Trên cơ sở kế thừa thể thơ truyền thống, Y Phương không ngừng nỗ lực đổi mới và sáng tạo thể thơ tự do. Từ điểm tựa văn hóa dân gian, Y Phương là nhà văn nỗ lực sáng tạo ngôn ngữ văn chương, đó là cách sử dụng ngôn ngữ sóng đôi Tày - Việt, đặc biệt là sự linh hoạt trong việc sử dụng từ láy mới “kiểu Y Phương”. Y Phương biết chọn lọc trong văn học dân gian những tinh chất cần có để tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật riêng của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Y Phương là người sử dụng tiếng Tày nhiều và nhuần nhụy trên cơ sở thông thạo cả hai thứ tiếng Tày và Việt. Ông có biệt tài dùng những từ ngữ sóng đôi vừa Kinh, vừa Tày làm cho ý nghĩa của Tiếng Việt khái quát, mở rộng hơn, vượt qua ý nghĩa ban đầu bởi đã pha thêm nghĩa của tiếng Tày, tâm hồn Tày, văn hóa Tày. Văn chương của Y Phương khoáng đạt, đẹp đẽ, không bị gò bó bởi bất cứ những niêm luật, quy định. Sáng tác của ông luôn giàu hình ảnh, nhạc điệu và tình người thuần hậu, chất phác. Thành công của Y Phương là sự dung hợp nhiều cách diễn đạt. Có khi ông chọn lối diễn đạt mộc mạc, giản dị như lời ăn tiếng nói, như lá cây rừng, như đá núi quê hương. Có khi tác giả lại tìm cách thể hiện ví von, bay bổng nhiều tầng nghĩa. Lại có lúc Y Phượng chọn cách bộc lộ thẳng mực Tàu có chút xù xì, gân guốc, không ưa lối vòng vo tam quốc…và nhất là cách “thiết kế”, xử lý ngôn từ đầy bản lĩnh, rất gợi, rất lạ, rất mới và ít khi lặp lại. Dưới sự chỉ huy của một “nhạc trưởng”, của một “kiến trúc sư” tài ba, đầy nhạc tính để tạo nên một “thương hiệu Y Phương” “Cứ sừng sững như đá núi quê hương, dường như chưa mệt mỏi với những tìm tòi, neo đậu vào nguồn cội để thể hiện bản lĩnh của một gương mặt tiêu biểu trong đội ngũ những tác giả văn học dân tộc thiểu số”[2].
 
Chuyên luận đầu tiên về Y Phương trong hành trình sáng tạo văn chương - ảnh 2
Nhà thơ Y Phương (ảnh Internet)
 
Bám sát cội nguồn văn hóa dân tộc Tày, tác phẩm Y Phương đã trở thành nguồn mạch chính trong toàn bộ tiến trình sáng tác của ông. Bám vịn vào văn hóa dân tộc, tác phẩm của Y Phương đã phản ánh tâm hồn, bản sắc văn hóa Tày độc đáo, hấp dẫn. Là con người tôn trọng cách ứng xử đẹp, nói về các nhà văn người Kinh, Y Phương luôn thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc. Ông khẳng định, đó là những nhà văn tâm huyết đã tác động, ảnh hưởng lớn đến các nhà văn dân tộc thiểu số. Và đến lượt mình, Y Phương và các nhà văn dân tộc thiểu số đã chịu ảnh hưởng từ các nhà văn người Kinh tài năng. Sáng tác của Y Phương thể hiện sự kế thừa và đổi mới truyền thống một cách linh hoạt, sáng tạo. Ông đi từ cội nguồn đến những tìm tòi mới, và minh chứng thành công nhất chính là việc sử dụng những biểu tượng văn hóa tiêu biểu vốn ăn sâu vào tâm thức cộng đồng, thổi vào đó những trường liên tưởng rộng lớn.
 
Chuyên luận này là công trình khoa học thể hiện sự nỗ lực, tâm huyết của ba Tiến sĩ Ngữ văn dân tộc Kinh. Họ đã thật sự nỗ lực, phục dựng một cái nhìn hệ thống về văn chương nhà thơ Tày Y Phương để từ đó khai mở một hành trình tiếp theo của công việc nghiên cứu để khắc tạc nhân vật của văn học các dân tộc thiểu số hiện đại. Điều này không chỉ nhằm đánh giá, khẳng định thành tựu của họ mà còn gián tiếp nhìn nhận rõ sức ảnh hưởng của những “vết chân khổng lồ” như một định hướng, một bài học cho thế hệ sáng tác trẻ sau này.
 
Đây là cuốn sách quý đối với việc nghiên cứu, học tập sự nghiệp sáng tác của Y Phương. Chạm vào tuổi 70, nhà thơ Tày vẫn không ngừng tìm tòi, nỗ lực bền bỉ, tiếp tục hành trình sáng tạo, đổi mới. Nhìn vào sự nghiệp văn chương Y Phương (đến thời điểm này) có thể khẳng định Y Phương là nhà thơ đã kế thừa và đổi mới truyền thống một cách linh hoạt, sáng tạo và hơn ai hết là nhà thơ dân tộc Tày, Y Phương đã đóng góp lớn vào sự phát triển nền văn chương dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại và đồng thời là sự bền bỉ trên hành trình sáng tạo; người nối kết văn học các dân tộc thiểu số hòa vào nền văn học Việt Nam hiện đại giàu giá trị về nội dung và nghệ thuật.
 
Chuyên luận là nỗ lực của ba Tiến sĩ văn người dân tộc Kinh trong suốt 3 năm dày công nghiên cứu và sự trân quý “đón đỡ” tác phẩm của Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Đây là món quà ý nghĩa tri ân nhà thơ Y Phương nhân ông bước vào ngưỡng tuổi 70.
 
 
Trác Khánh Hương - Tổ quốc
 
[1][2] Nguyễn Huy Bỉnh, Lê Thị Bích Hồng, Đỗ Thị Thu Huyền (2017): “Y Phương – sáng tạo văn chương từ nguồn cội”, Nxb Hội Nhà văn
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng