Tin văn nghệ
Giấy trúc chỉ Việt: Gần 20 năm ‘công, tội’
14:35 | 28/09/2017

Triển lãm nghệ thuật thị giác Trúc chỉ - Lời của sông (khai mạc ngày 30/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng) sẽ cho thấy một bước tiến mới về kỹ thuật và nghệ thuật giấy trúc chỉ. Đây là loại giấy đặc thù do họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự đã phát minh ứng dụng thành công từ năm 2000.

Giấy trúc chỉ Việt: Gần 20 năm ‘công, tội’
Họa sĩ Phan Hải Bằng - “ông tổ” của giấy trúc chỉ
Cuộc trưng bày quy mô này gồm bộ tác phẩm Dòng sông trúc chỉ dài hơn 120m và 12 mô hình mô phỏng áo tơi của mẹ, cùng hệ thống hình ảnh gợi nhớ quê hương, hiệu ứng ánh sáng, âm thanh và video. Đây là một tiếp nối của triển lãm cùng chủ đề tại Viện Goethe Hà Nội hồi tháng 7/2016. Theo dự kiến, triển lãm sẽ tiếp tục trưng bày tại TP.HCM vào tháng 12/2017 tới.
 
Nghệ thuật giấy, giấy nghệ thuật
 
Trúc chỉ (tạm hiểu là giấy làm từ tre) ban đầu là một loại giấy thủ công do họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự phát minh, được làm từ các nguyên liệu địa phương như tre trúc, rơm rạ, mía, chuối, Nhưng rồi tre được ưu tiên chọn lựa, do sự phổ biến của nó. Rất nhanh sau đó, trúc chỉ tiệm cận thành một ngôn ngữ, rồi một loại hình nghệ thuật đồ họa - đồ họa trúc chỉ (trucchigraphy).
 
Chưa bàn tới độ bền vật liệu và tính ứng dụng, nhìn riêng khái niệm chất liệu, trúc chỉ đã là một đóng góp đáng quý.
 
“Câu chuyện bắt đầu vào khoảng năm 2000, khi nhu cầu về các chủng loại giấy thích hợp cho việc in ấn đồ họa là có thực, tôi bắt đầu lọ mọ với cái gọi là làm giấy. Với kiến thức lõm bõm, tài liệu lỏng bỏng, những thể nghiệm đầu tiên rất ngô nghê nên thành phẩm cũng rất ngây ngô” - họa sĩ Phan Hải Bằng cho biết - "Việc nghiên cứu và thử nghiệm này bị đứt đoạn, ngắt quãng nhiều lần chứ không liền lạc, sau cùng chúng tôi cũng làm ra được tấm giấy đồ họa theo ý mình".
 
Giấy trúc chỉ có phát xuất từ nghề giấy thủ công truyền thống nhưng đã nhanh chóng vượt thoát khái niệm đó để đi xa hơn câu chuyện của một tấm giấy thông thường, xa hơn một chất liệu nền nhằm hỗ trợ cho công việc sáng tạo thông thường. Nó có tiếp biến văn hóa, nhưng không mô phỏng chất liệu, không phục dựng các kỹ thuật làm giấy từ truyền thống.
 
Chú thích ảnh
Tác phẩm đồ họa trúc chỉ khi trưng bày
 
Ngày nay, trúc chỉ không chỉ là một loại giấy, mà còn có thể là một khái niệm để chỉ một loại hình mới của nghệ thuật giấy, hoặc giấy nghệ thuật của người Việt. Nghĩa là tự thân tấm giấy đã mang trong mình một loại hình nghệ thuật, một kỹ thuật đồ họa. Cho nên về mặt ý niệm, trúc chỉ đã giúp tờ giấy thoát khỏi thân phận làm nền, để trở thành một tác phẩm đồ họa, hoặc nghệ thuật độc lập. Có hai quy trình nối tiếp nhau để hình thành một tác phẩm độc lập như vậy, đó là làm giấy trúc chỉ và quy trình đồ họa trúc chỉ.
 
Một trong những cách đồ họa là sử dụng kỹ thuật tạo áp lực nước (water spray), kết hợp với nguyên lý chế bản in khắc kim loại và in xuyên để tạo nên nhiều lớp, nhiều sắc độ theo cấu trúc, bố cục và hiệu quả thị giác như mong muốn. Đây cũng chính điểm khác biệt tạo nên nét đặc trưng và độc đáo mà trúc chỉ đã tạo dựng được.
 
"Tội đồ" trúc chỉ
 
Chúng ta có thể gọi sự hoàn chỉnh đang có của giấy trúc chỉ là “tội đồ” của chính nó. Bởi, nhìn vào các sản phẩm đồ họa và tác phẩm trang trí khá hoàn chỉnh, những nghệ sĩ bên ngoài muốn nhập cuộc, muốn sáng tạo với giấy trúc chỉ cũng hơi e ngại. Nó hoàn chỉnh và đủ đầy quá rồi, đặc biệt là nặng tính đồ họa và trang trí, ta biết làm gì thêm đây?
 
Rồi tự thân khái niệm “thoát khỏi thân phận làm nền” cũng là một ngăn trở, vì đôi khi các nghệ sĩ chỉ cần một tờ giấy trúc chỉ bình thường như tờ giấy dó để mua về sáng tạo theo ý riêng của mình. Tất nhiên trúc chỉ cũng có những tờ giấy như vậy, nhưng có vẻ như quy trình làm giấy không phải chỉ để làm ra các tờ giấy đơn thuần, mà đồ họa giấy trúc chỉ mới là quan trọng, ưu tiên hơn. Bởi chính đồ họa làm nên dấu ấn riêng của giấy trúc chỉ, dấu ấn của Phan Hải Bằng và các cộng sự.
 
Cho nên việc nới rộng khả tính nghệ thuật cho giấy trúc chỉ vẫn là sứ mệnh trước mắt của anh và các đồng nghiệp.
 
 
Một vài dấu ấn của trúc chỉ
 
Năm 2011, tác phẩm nghệ-thuật-giấy-tự-thân có tên là Ngẫu (80 cm x 190 cm) được Hội liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế trao giải thưởng “Tác phẩm xuất sắc của năm”.
 
Tháng 3/2012, tác phẩm sắp đặt giấy trúc chỉ có tên Ngẫu liên chiếm một gian trưng bày lớn tại Bảo tàng Lê Bá Đảng (Huế); đây cũng là đồ án tốt nghiệp thạc sĩ của Phan Hải Bằng tại MSU ở Thái Lan.
 
Năm 2017, Phan Hải Bằng nhận học bổng ASIAN Scholarship Foundation (ASF) để thực hiện 7 tháng điền dã tại Chiang Mai cùng các vùng lân cận phía Bắc Thái Lan, sau đó là Bắc Ninh (Việt Nam) để tiếp tục việc nghiên cứu về giấy và giấy thủ công dưới góc độ biểu hiện của sáng tạo nghệ thuật.
 

Theo Văn Bảy - Thể thao & Văn hóa

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng