Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp quốc tế với sinh viên
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn chia sẻ về quyển sách Vị thế Việt Nam và kinh nghiệm tác nghiệp quốc tế với sinh viên Trường Đại học Văn Lang
Giản Thanh Sơn đã có hơn 40 năm phấn đấu không ngừng cho công việc viết báo và viết lịch sử bằng ảnh. Vị thế Việt Nam là một cuốn sách ảnh, ghi lại quá trình công tác đối ngoại ở nước ngoài của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong nhiệm kỳ từ năm 2011 đến 2016.
Cùng đi với lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong các chuyến công du đó, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đã có dịp ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của lịch sử ngoại giao Việt Nam thời hiện đại. Đây cũng là tư liệu quý giá cho thế hệ trẻ ngày nay tiếp cận, tìm hiểu những vấn đề trọng đại của đất nước, thông qua đó giáo dục tình yêu nước ở người trẻ.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đầy cảm xúc khi kể về những đất nước ông đã đi qua
Ở mỗi đất nước đã đi qua, Giản Thanh Sơn có hàng trăm lần bấm máy đầy cảm xúc, và mỗi nơi mỗi khác nhau. Theo ông, trong chuyến theo đoàn công tác Việt Nam sang đất nước Venezuela là lần ông cảm thấy thật sự vô cùng xúc động. Bởi, người dân đất nước bạn đã đón tiếp đoàn Việt Nam bằng cách hát quốc ca Việt Nam.
Với vai trò phóng viên nhiều năm tháp tùng các nhà lãnh đạo Việt Nam, có những cơ hội được trực tiếp tham gia các sự kiện ngoại giao lớn và quan trọng nhất, nhà báo Giản Thanh Sơn đã nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm quý giá với các sinh viên.
“Chụp ảnh công tác đối ngoại ở nước ngoài của lãnh đạo nhà nước, chụp ảnh nguyên thủ rất khó để bắt được thần thái. Hơn nữa, những nhân vật quan trọng của quốc gia, lúc nào cũng có an ninh bảo vệ nghiêm ngặt. Phóng viên không ít lần phải chen lấn để có vị trí đứng thích hợp. So với phóng viên quốc tế, phóng viên Việt Nam thường thể lực yếu, phương tiện tác nghiệp cũng khó hiện đại hơn. Mỗi người sẽ có những bí quyết riêng khi chụp ảnh. Tuy nhiên, quan trọng là mình phải luôn tự tin, quan sát kỹ sự kiện, dự đoán được diễn biến sự kiện để biết mình nên đứng ở vị trí nào thích hợp sẽ có những tấm ảnh bắt khoảnh khắc tốt nhất. Bắt đúng khoảnh khắc, trạng thái của nhân vật sẽ tạo ra được một bức ảnh đẹp…”, ông chia sẻ.
Ông cho biết luôn cố gắng lắng nghe kỹ, chính xác bằng cách ghi âm; lưu trữ ghi chú lại thông tin, hình ảnh từng sự kiện, từng nhân vật để đến cuối ngày lại ngồi ghi chép, phân loại kỹ càng… bởi trong những chuyến công du có khi một ngày có rất nhiều sự kiện.
Sinh viên Trường Đại học Văn Lang chụp hình kỷ niệm cùng nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn
Không hiếm sinh viên đã chọn nhiếp ảnh là niềm đam mê và có ý định theo đuổi lâu dài như một nghề, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đã có những nhắn nhủ chân tình: “Trong quá trình làm nghề, tôi cũng gặp nhiều vất vả, không ít lần gặp sự cố nhớ đời. Nhưng bằng sự chân thành và lòng đam mê thật sự thì mình sẽ sống được với nghề mình chọn. Các bạn sinh viên muốn theo đuổi nhiếp ảnh hay nghề báo cũng vậy, muốn thành công phải có cảm xúc, hãy đặt cảm xúc khi cầm máy lên và luôn phải cố gắng từng ngày với công việc của mình”.
Hơn 400 trang sách ảnh Vị thế Việt Nam in song ngữ Việt – Anh ghi lại từ gần 30 chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước của Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến các vương quốc, quốc gia, vùng lãnh thổ, tham dự các hội nghị quốc tế… nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đã bao quát hình ảnh những mối quan hệ và câu chuyện ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, bổ sung vào kho dữ liệu của lịch sử ngành ngoại giao hiện đại Việt Nam.
Theo Tiểu Tân - SGGP Online