Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho đại diện gia đình Liệt sỹ, Nhà báo Lương Nghĩa Dũng, nguyên phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Tuy nhiên, đến nay, một số quy định của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP không phù hợp với thực tiễn, trong đó vướng mắc lớn nhất về điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 9; Khoản 3 Điều 10. Trên thực tế, có nhiều tác phẩm, cụm tác phẩm được Hội đồng các cấp đánh giá có giá trị cao về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội nhưng còn thiếu giải thưởng.
Việc thiếu Giải thưởng có nhiều nguyên nhân: Tác phẩm được hình thành qua các giai đoạn, bối cảnh lịch sử khác nhau của đất nước, nhất là tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, là giai đoạn đất nước có chiến tranh, ít có các cuộc thi được tổ chức. Mặt khác, ở một số giai đoạn nhất định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương không tổ chức các cuộc thi sáng tác về văn học, nghệ thuật hàng năm hoặc định kỳ và còn có lý do tác giả vì lý do cá nhân không gửi tác phẩm tham dự các cuộc thi.
Bên cạnh đó còn vướng mắc về tỷ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng giải thưởng. Với quy định tỷ lệ phiếu bầu đồng ý từ 90% của tổng số thành viên Hội đồng có tên trong Quyết định (trường hợp vắng mặt, Hội đồng xin ý kiến thành viên bằng văn bản) là khá khó khăn đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Với quy định như vậy, tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 02/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước (đạt 86,7%). Tại Hội đồng cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 3/28 thành viên không đồng ý (đạt 89,3%) là cũng không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng Giải thưởng.
Ngoài những vướng mắc nêu trên, còn có vướng mắc về số lượng thành viên Hội đồng và cơ cấu thành phần Hội đồng. Đặc biệt là đối với Hội đồng cấp cơ sở tại tỉnh, thành phố gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm các chuyên gia vì không đủ số lượng người theo quy định; số lượng tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng gửi Hội đồng cấp cơ sở tỉnh, thành phố rất ít. Đối với Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước cần tăng thêm các chuyên gia, giảm bớt đại diện các cơ quan nhà nước…
Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, trên tinh thần tiếp thu phản hồi của các chuyên gia chuyên ngành và dư luận xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện rà soát lại các quy định của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP, từ đó, Bộ đã soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 của Chính phủ về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật. Trong đó, Bộ kiến nghị, hoàn thiện, chỉnh sửa các điều quy định về giải thưởng, tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của Hội đồng các cấp, về số lượng thành viên Hội đồng cấp Nhà nước… cho phù hợp hơn với thực tế hiện nay.
Theo Chính phủ