Trong cuộc triển lãm và mít tinh kỷ niệm 2 năm Ngày Độc lập (2-9-1945 - 2-9-1947) tại chợ Thiên Hộ, Đồng Tháp Mười, đồng bào và chiến sĩ ta đã hoan nghênh những hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Mai Lộc chụp được: Chiến thắng đồn Vàm Nước Trong, chiến thắng trận Dòng Dứa. Và đồng bào, chiến sĩ ta cũng vô cùng căm phẫn khi xem một số hình ảnh hành động tàn ác, dã man của giặc Pháp. Sau khi xem triển lãm, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Chính ủy Khu 8, ghi chú: “Nếu những hình ảnh này mà cử động được thì tác dụng của nó sẽ vô cùng to lớn, động viên đồng bào và chiến sĩ ta”.
Ngày 15-10-1947, Bộ Tư lệnh Quân khu 8 ra quyết định thành lập Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8 trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh Khu 8. Máy móc, nguyên vật liệu mua bằng con đường hợp pháp ở nội thành rồi tổ chức mang ra chiến khu.
Công việc thật vất vả, chiếc máy 16 ly đầu tiên bị rớt xuống sông trong một đợt phục kích và bị hư hỏng. Tổ in tráng vừa hoàn chỉnh việc thiết kế thủ công thì bị Pháp nhảy dù lấy đi hết phim nhựa, máy móc, thuốc men dụng cụ. Lại phải làm lại từ đầu… Thôi thì đủ chuyện để nói về cái buổi sơ khai này: Máy in tráng đặt trên xuồng có mui lưu động, có buồng tối làm lạnh bằng nước đá, in tráng phim bằng guồng thủ công…
Với cơ ngơi như vậy mà tháng 3-1948 ông Mai Lộc và Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8 thực hiện những phóng sự như: Binh công xưởng Khu 8, Trường Lục quân Khu 8, Trường Thiếu sinh quân, Lễ xuất quân Trung đoàn 115, Bộ Tư lệnh viếng Đội trọng pháo Khu 8, Quân nhu Khu 8.
Tháng 9-1948, ông Mai Lộc cùng Khương Mễ, Vũ Sơn hoàn thành bộ phim tài liệu Trận Mộc Hóa... Đây là thành quả đầu tiên của Tổ Nhiếp - Điện ảnh Khu 8, của Nam bộ được thực hiện hoàn toàn trong điều kiện kháng chiến ở chiến khu. Trong phim có cảnh bộ đội hành quân đánh giặc, bộ đội xung phong, rồi nhân dân mang quà ủy lạo bộ đội, cảnh trại tù binh, tên đồn trưởng Pháp đầu hàng bộ đội ta.
Những người quay phim - những chiến sĩ của điện ảnh Khu 8 đã xông pha khắp các chiến trường ở Nam bộ để ghi lại những hình ảnh sống động của cuộc kháng chiến nhân dân lúc bấy giờ: Chiến thắng của ta, những gương mặt anh hùng, đời sống người chiến sĩ, đời sống nhân dân và cán bộ vùng kháng chiến, tố cáo tội ác kẻ thù…
Những thước phim đó là những hình ảnh sống động về cuộc kháng chiến, là những tư liệu có giá trị rất lớn, được coi như là những chiến công của người quay phim, người làm điện ảnh ở Khu 8 và sau này là Khu 9, Khu 7, ở Nam bộ, những người luôn luôn tiếp xúc trực tiếp với thực tế cuộc chiến đấu của quân và dân ta để ghi chép cho được sự việc thực trong không khí kháng chiến và thể hiện cho được không khí đó.
Cũng chính vì hoàn cảnh ấy mà người quay phim và người chiến sĩ đã gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Thương yêu nhau, đùm bọc nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi những ngày phải nằm nóp, ngủ hầm, những ngày phải ăn rau rừng, măng chụp thay cơm.
Người ta bảo ở chiến trường, cái tình nghĩa hạt muối cũng cắn làm đôi quả là không sai chút nào. Những chiến sĩ ấy cũng là những khán giả nhiệt tình nhất. Mỗi thước phim tư liệu quay được đổi bằng xương máu của anh em quay phim rất được trân trọng ở chiến trường. Đêm chiếu phim là ngày hội của những đơn vị quân đội và nhân dân ở vùng đó.
Đồng bào kháng chiến ở vùng Đồng Tháp Mười rất hiếm khi được xem phim, có người cả đời chưa biết phim ảnh là gì. Điện ảnh đối với họ thật là một món quà thú vị và thiêng liêng. Mỗi lần có phim, đồng bào lội bộ hoặc bơi xuồng từ xa đến, thậm chí tuốt trong đồng hàng chục cây số, xem phim về đến nhà thì trời cũng vừa sáng… Bởi vậy, khi làm phim xong, các nhà điện ảnh phải tổ chức chiếu bằng được cho đồng bào và chiến sĩ xem phim.
Điện ảnh cách mạng bưng biền, điện ảnh cách mạng Nam bộ ra đời từ trong gian khổ, trong lửa đạn mà hình thành, đóng góp phần giáo dục động viên đồng bào và chiến sĩ miền Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cuối năm 1951, tại khu rừng cọ bản Bắc ở Việt Bắc, có một cuộc hội tụ của những người kháng chiến hoạt động về điện ảnh ở chiến khu Việt Bắc và Nam bộ thành đồng Tổ quốc, với sự có mặt của một số gương mặt tiêu biểu của điện ảnh kháng chiến Nam bộ là nhà quay phim kiêm đạo diễn Mai Lộc; các ông Nguyễn Phụ Cấn, Võ Thành Tắc, Nguyễn Công Son (Điện ảnh Khu 8); Lê Minh Hiền, Nguyễn Thế Đoàn (Điện ảnh Khu 9), đã hỗ trợ đội ngũ làm điện ảnh ở miền Bắc.
Và có những thước phim lịch sử để đời về Bác Hồ do nhà quay phim - NSND Nguyễn Thế Đoàn thực hiện. Ông Nguyễn Thế Đoàn đã coi 2 tháng sống bên Bác Hồ là khoảng thời gian không bao giờ quên được và là dấu ấn thúc đẩy ông làm nghệ thuật điện ảnh.
Danh sách những nhà điện ảnh Khu 8, Khu 7, Khu 9 chỉ khoảng 50 người, với những cái tên mà trong nước và ngoài nước biết: NSND Mai Lộc, NSƯT Khương Mễ - Tuyết Trinh, NSND Nguyễn Thế Đoàn, NSND Trần Kiềm, NSƯT Trần Nhu… Danh sách các cán bộ, chiến sĩ của điện ảnh cách mạng bưng biền, điện ảnh cách mạng Nam bộ, qua 70 năm bây giờ còn lại không nhiều. Số hy sinh và mất đi nhiều hơn….
Kỷ niệm 70 năm Ngày Điện ảnh và Nhiếp ảnh Khu 8 ra đời, xin một lòng tạc dạ ghi ơn những người từng gầy dựng và phát triển điện ảnh cách mạng ở bưng biền Đồng Tháp Mười, điện ảnh cách mạng ở Nam bộ; bằng tài năng, bằng tấm lòng, bằng sự hy sinh và xương máu. Các bác, các chú, anh chị còn để lại cho đời một kho tư liệu quý báu.
DƯƠNG CẨM THÚY - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM
SGGP Online