Ngày 14/10, Thư viện Lâm Đồng đã tổ chức toạ đàm giới thiệu sách “Nhà thơ Quang Dũng – Từ Tây Tiến đến Tây Nguyên” với sự tham dự của các con, cháu, người thân của nhà thơ Quang Dũng cùng đông đảo văn nghệ sĩ ở Lâm Đồng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và bạn đọc yêu mến thơ ông.
Tiến sĩ Trần Hoài Anh – Giảng viên Đại học Văn hoá Tp.Hồ Chí Minh nói về thơ Quang Dũng
Với bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng được biết đến là một trong những đỉnh cao văn chương thời kỳ kháng chiến chống Pháp, với 9 địa danh trong bài Tây Tiến: Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Pha Luông, Mai Châu, Viên Chăn, Châu Mộc, Sầm Nứa... đến hôm nay vẫn thôi thúc trái tim nhiều thế hệ phải đọc, phải đi, phải đến những nơi, đi trên những nẻo đường chinh chiến mà những người anh hùng trong binh đoàn Tây Tiến đã đi qua. Và cũng chính vì “Tây Tiến”, vì “đoàn binh không mọc tóc/ quân xanh màu lá dữ oai hùng/Mắt chừng gửi mộng qua biên giới/Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” mà “tai vạ” văn chương đã gieo xuống cuộc đời ông gây luỵ cho cả những người con.
Chị Bùi Phương Hạ - con gái của nhà thơ, tuổi mới đôi mươi, xinh đẹp, nết na đã lưu lạc đến Nam Ban dạy học trong những ngày vùng kinh tế mới Hà Nội đầy gian khó. Thương con vì văn thơ của mình mà chịu khổ, mùa đông năm 1982, khi ấy nhà thơ Quang Dũng đã 61 tuổi, ông đã lặn lội đến đây thăm con gái, ở lại cùng con nhiều ngày, gặp gỡ nhiều người và tiếp tục viết nên những trang thơ trên miền đất Tây Nguyên.
“Nhà thơ Quang Dũng – Từ Tây Tiến đến Tây Nguyên” là tuyển tập bút ký, ghi chép được nhà thơ Trần Ngọc Trác – nguyên Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng và chị Bùi Phương Thảo (con gái út của nhà thơ Quang Dũng) sưu tầm, biên soạn bằng tất cả tình cảm và niềm yêu kính dành cho ông. Bên cạnh những tác phẩm của nhà thơ Quang Dũng viết ở hai miền đất, sách còn là những kỷ niệm đẹp của đồng đội Tây Tiến về ông thời trai trẻ; hình ảnh của ông trong những tháng sống ở Nam Ban - Lâm Hà cũng được tái hiện qua ký ức của những người từng gặp gỡ ông.
Buổi giao lưu diễn ra xúc động, độc giả yêu quý nhà thơ đã cùng ngâm đọc và hát những bài ca: Tây Tiến, Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Đêm rừng, Giòng đời, Lính râu ria...; cùng được nghe chị Bùi Phương Thảo và anh Bùi Quang Thuận là con của nhà thơ kể những câu chuyện về cha mình, được nghe những người từng gặp gỡ nói về ông, về một con người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho quê hương, đất nước và gia đình.
Buổi giao lưu đã cho độc giả cái nhìn toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, những đóng góp của nhà thơ Quang Dũng – người lính trong cuộc chiến tranh vệ quốc; qua đó, thêm soi sáng một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn cùng những vần thơ bất tử thấm đẫm tinh thần nhân nghĩa, nhân văn, nhân ái.
Theo baolamdong.vn