Tin văn nghệ
Tọa đàm “Những đứa con của rồng”
14:50 | 17/10/2017

Sáng 15/10, Câu lạc bộ tình nguyện viên Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Những đứa con của rồng” nhằm giải mã sự xuất hiện, vai trò, ý nghĩa của những linh vật truyền thống tại các công trình kiến trúc ở Việt Nam.

Tọa đàm “Những đứa con của rồng”
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Rồng là một linh vật hư cấu được tạo bởi các huyền thoại, truyền thuyết và được cụ thể hóa bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình. Nghệ thuật hư cấu không chỉ sáng tạo nên con rồng mà còn tạo nên các linh vật họ rồng từ các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết ở các nền văn hóa mà nó hiện hữu.
 
Long sinh cửu tử là một truyền thuyết ra đời vào cuối đời Tống đầu đời Minh nhằm hệ thống hóa các biểu tượng khác nhau trong một cốt truyện thống nhất. Rồng sinh được mười con, nhưng chỉ có một con trở thành rồng thực thụ, còn chín con khác thì lại mang nhiều dáng vẻ khác nhau.
 
Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Trần Trọng Dương đã giới thiệu cụ thể về chín biểu tượng “con của rồng”, trong đó Xi Vẫn là biểu tượng có mật độ sử dụng dày nhất, nhiều biến thể nhất và có nhiều nơi để lựa chọn tạo dáng nhất.
 
Về cách thức những biểu tượng văn hoá này du nhập về Việt Nam, Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho biết, có 2 nhóm từ Trung Hoa và Ấn Độ sang. Nhóm từ Ấn Độ sang sẽ đi theo 2 hướng đường biển và đường bộ. Mỗi khi truyền sang một quốc gia, những biểu tượng này sẽ có biến đổi khác nhau để phù hợp hơn với văn hoá của quốc gia đó.
 
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, những biểu tượng khác nhau của rồng có tính giao thoa văn hoá vô cùng đặc sắc nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.
 
Qua đó, có thể thấy các biểu tượng linh vật trong nhóm long sinh cửu tử ít nhiều đã có ảnh hưởng nhất định đến “văn minh vật chất” của người Việt trong khoảng hơn ngàn năm. Việc giải mã các biểu tượng trên cơ sở kết hợp tư liệu thành văn với các hiện vật khảo cổ học lịch sử sẽ góp phần soi sáng khía cạnh văn hóa của biểu tượng rồng Việt Nam trên cơ tầng văn hóa Đông Á- Đông Nam Á.   
 
 
Theo Bình Nguyên - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
 
 
 
 
 
 
 
Các bài mới
Các bài đã đăng