Các đại biểu cắt băng khai mạc cuộc thi và triển lãm "Tranh đồ ọa ASEAN" lần thứ 2 - Việt Nam 2016. (Ảnh: Tổ quốc)
Trong giai đoạn 2014 – 2017, với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã đạt được những kết quả ghi nhận.
Công tác quản lý nhà nước về mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Nhiều hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được tổ chức trong và ngoài nước góp phần nâng cao thị hiếu thẩm mỹ, giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, các tác phẩm, công trình sáng tạo mới, giới thiệu và quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được thực hiện khá tốt, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý. Công tác cấp phép các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, xây dựng các công trình tượng đài, tranh hoành tráng cơ bản được thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm. (Ảnh: Đức Bình)
Công tác đào tạo nguồn nhân lực có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, với hệ thống đào tạo tương đối hoàn chỉnh, đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, giáo trình, quy mô, ngành học gắn với thực tế, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Sinh viên mỹ thuật, nhiếp ảnh ra trường hàng năm ở bậc Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, đã đáp ứng đủ số lượng yêu cầu về nguồn nhân lực tuy nhiên lại thiếu nhân lực chất lượng cao, xuất sắc.
Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở toàn nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng. (Ảnh: Anh Vũ)
Hoạt động sáng tác, triển lãm, phổ biến tác phẩm: Trong 03 năm (2014 – 2017) các hoạt động sự nghiệp trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tập trung vào các hoạt động vận động sáng tác, công bố, phổ biến tác phẩm, tổ chức triển lãm, xây dựng các công trình mỹ thuật, tổ chức trại sáng tác. Các hoạt động diễn ra ở nhiều quy mô (quốc tế, toàn quốc, khu vực, tỉnh, thành phố, nhóm, cá nhân) và được thực hiện thương xuyên trong cả nước. Trong đó, một số triển lãm lớn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đã được tổ chức trong ba năm qua phải kể đến như: Festival Mỹ thuật trẻ 2014; Triển lãm Mỹ thuật VIệt Nam năm 2015; Triển lãm tranh thiếu nhi toàn quốc 2015; Triển lãm tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước trụ sở toàn nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng; Triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi 2017; Festival nhiếp ảnh trẻ 2015; Triển lãm ảnh “Khám phá Việt Nam”; Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2016; Triển lãm thành tựu kinh tế xã hội nhân dịp 70 năm quốc khánh 2/9; Festival Nhiếp ảnh trẻ 2017 với chủ đề “Tư duy trẻ, góc nhìn trẻ”; các triển lãm khu vực hàng năm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam diễn ra ở 8 khu vực trong ba năm qua đã có nhiều tác phẩm tốt, thúc đẩy phong trào sáng tác Mỹ thuật, Nhiếp ảnh ở các địa phương trong cả nước.
Một góc Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá. (Ảnh: Anh Vũ)
Ngoài các triển lãm được tổ chức định kỳ, nhiều triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh chuyên đề khác do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành và của các tổ chức, cá nhân trong cả nước thực hiện đã thu hút được đông đảo nghệ sĩ tham gia với hàng ngàn tác phẩm phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và nhiệm vụ chính trị của nhà nước.
Cùng với đó, hiện nay cả nước có một lực lượng nghệ sĩ đông đảo (1.892 họa sĩ, nhà điêu khắc là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, 979 hội viên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và hàng ngàn hội viên ở các Hội Văn học nghệ thuật địa phương) có chuyên môn nghiệp vụ tốt, sức sáng tạo dồi dào đang tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh nước nhà.
Triển lãm tranh khắc gỗ Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại tại Nhật Bản. (Ảnh: ape.gov.vn)
Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế: Trong ba năm qua, các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh của Việt Nam được đưa ra trưng bày ở nước ngoài đã làm tốt việc giới thiệu văn hóa của VIệt Nam với bạn bè quốc tế như: Triển lãm tranh sơn mài sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại Vương quốc Anh tháng 11/2014, Triển lãm tranh sơn mài sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Pháp, Triển lãm tranh khắc gỗ Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại tại Nhật Bản, Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Berlin (Đức),… Và nhiều triển lãm do cá nhân, nhóm tác giả đã tham gia các hoạt động, sự kiện nghệ thuật quốc tế đã góp phần tích cực vào việc giới thiệu nghệ thuật và văn hóa đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Một số hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh do Việt Nam đăng cai tổ chức như: Triển lãm tranh đồ họa 10 nước ASEAN lần thứ hai năm 2016, Triển lãm của các nữ họa sĩ quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam do FIAP bảo trợ, Trại sáng tác điêu khắc, hội họa, đồ họa với sự tham gia của nghệ sĩ các nước ASEAN và nhiều nước khác trên thế giới đã được tổ chức tốt trong thời gian qua… Cùng với đó, các cuộc hội thảo, giao lưu quốc tế cũng được tổ chức tại một số thành phố lớn trong nước góp phần vào sự tăng cường hiểu biết lẫn nhau và quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nghệ sĩ các nước.
Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại thành phố Pleiku, Gia Lai. (Ảnh: Lao Động)
Công tác xây dựng công trình mỹ thuật, tượng đài, tranh hoành tráng hiện nay đã có sự phát triển hơn trước. Hiện cả nước có khoảng 370 công trình tượng đài, tranh hoành tráng (gồm cả các công trình được xây dựng trước ngày thống nhất); 700 tượng ở vườn hoa, công viên, trong các khu di tích, bãi biển – kết quả của các trại sáng tác điêu khắc; một số công trình tượng đài được xây dựng gần đây có chất lượng tốt tạo nên những địa điểm sinh hoạt văn hóa như: Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Ngãi, Tượng đài Bác Hồ với Tây Nguyên ở Gia Lai, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc ở Tuyên Quang, Tranh ghép gốm hoành tráng ở khu di tích Kim Đồng, Cao Bằng,… Các công trình tượng đài, tranh hoành tráng đã xây dựng chủ yếu là tượng kỷ niệm chiến thắng, tưởng niệm, tượng đài danh nhân, lãnh tụ có giá trị về nội dung, tư tưởng, ca ngợi truyền thống cách mạng. Các công trình này đã đóng góp tích cực trong việc tôn vinh truyền thống lịch sử, cách mạng tạo ra các tác phẩm điêu khắc tốt về nội dung và hình thức, đưa nghệ thuật đến gần với công chúng, giáo dục truyền thống cách mạng, góp phần làm đẹp môi trường, cảnh quan phục vụ đông đảo nhân dân.
Tác phẩm "Trong ánh mắt" của tác giả Trần Trọng Lượm.
Công tác sưu tầm, lưu giữ tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh: Trong thời gian gần đây, nhà nước đã dành kinh phí đầu tư xây mới, nâng cấp một số bảo tàng, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Hiện nay trên cả nước có 3 bảo tàng Mỹ thuật đó là: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, ngoài ra còn có Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại Đà Nẵng, Bảo tàng gốm ở Hội An – Quảng Nam và một số Bảo tàng mỹ thuật tư nhân.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, hiện nay có Trung tâm lưu trữ tác phẩm nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam hoạt động như một bảo tàng; Thông tấn xã Việt Nam cũng có ngân hàng ảnh, lưu trữ ảnh qua các thời kỳ lịch sử; Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá – mô hình bảo tàng làng nghề nhiếp ảnh và xã hội hóa hiệu quả. Đây là nguồn ảnh quý cần được quan tâm, đầu tư để lưu giữ và bảo quản.
Tác phẩm "Thung lũng Bắc Sơn" của tác giả Vũ Kim Thoa.
Có thể khẳng định, trong 03 năm (2014 – 2017), với sự cố gắng của toàn ngành, công tác mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đã có những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt trong công tác quản lý, xây dựng các đề án, văn bản quy phạm pháp luật và các triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh ở quy mô lớn góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên đậm đà bản sắc. Phát huy những thành tích đã đạt được, trong những năm tiếp theo, ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động sự nghiệp đảm bảo đi đúng đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, thực hiện đúng pháp luật của nhà nước, tạo điều kiện và khuyến khích sáng tạo ra nhiều tác phẩm, công trình có giá trị về nội dung và nghệ thuật, nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân, tạo nên đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng tốt đẹp nhân văn, hướng thiện, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước./.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch