Tin văn nghệ
Làng nghề góp phần quảng bá linh vật Việt
14:52 | 26/10/2017
Mỗi nghệ nhân còn là một “đại sứ” quảng bá giá trị của linh vật Việt, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam.
 
Làng nghề góp phần quảng bá linh vật Việt
Những giá trị của linh vật Việt cần được tiếp tục quảng bá
Sau 3 năm thực hiện Công văn số 2662 của Bộ VHTTDL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, từ sản xuất linh vật ngoại lai, nhiều làng nghề đã chuyển hướng sang sản xuất linh vật Việt. Mỗi nghệ nhân còn là một “đại sứ” quảng bá giá trị của linh vật Việt, góp phần gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam. 
 
Chuyển biến mạnh mẽ trong xã hội
 
Nếu nhìn nhận hiệu ứng của Công văn 2662, phải thừa nhận, chưa có khi nào, ngành văn hóa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ như với “chiến dịch nói không với linh vật ngoại lai”.
 
Đó là một Nguyễn Trí Quang đã thực hiện số hóa gần 100 tượng linh vật Việt. Với những tư liệu hình ảnh này, nghệ nhân, nhà điêu khắc và công chúng đã có cơ sở để tiếp cận và khai thác tư liệu linh vật được tốt hơn, giúp ích rất nhiều cho nghiên cứu, bảo tồn và sáng tác sản phẩm thủ công truyền thống. Đó là Công ty điêu khắc Liên Vũ và Hội quán Di sản ở Hà Nội đã tiến hành thực hiện phục chế một số mẫu tượng linh vật truyền thống.
 
Kiến trúc sư Nguyễn Giang, chủ cơ sở xưởng Gỗ Giang ở làng Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) đã thực hiện đầu tư chiều sâu trong việc chế tác linh vật Việt, đào tạo tay nghề thợ chạm khắc các sản phẩm tượng nghê truyền thống, chạm khắc hoa văn kiến trúc. Còn ở Làng nghề đá Ninh Vân (Ninh Bình) đã thúc đẩy mạnh mẽ việc tạo ra các sản phẩm tượng nghê, sư tử theo phong cách nghệ thuật tạo hình truyền thống. Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã phục hồi dòng tranh dân gian Kim Hoàng trong đó có phục hồi các biểu tượng, linh vật của dòng tranh này phục vụ Tết Đinh Dậu. Sắp tới Tết Mậu Tuất, tranh Kim Hoàng sẽ ra mắt những tranh mới với những linh vật của Việt Nam được lấy mẫu từ tròng trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định… nơi có các làng nghề truyền thống, nghệ nhân mộc, đá, đồng cũng đã hưởng ứng tạo tác linh vật nghê, sư tử… đồ thờ theo phong cách nghệ thuật truyền thống. Các sản phẩm đã được khách hàng đón nhận.
 
“Ở làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân, dễ thấy hoạt động sản xuất, chế tác linh vật theo mẫu ngoại lai giảm rõ rệt, lượng khách đặt mua linh vật có yếu tố ngoại lai rất hiếm hoi, thay vào đó, một số mẫu linh vật truyền thống đang được các nghệ nhân nghiên cứu, chế tác và bắt đầu tìm được thị trường tiêu thụ. Đây chính là những chuyển biến căn bản trong tư duy của người dân về việc sử dụng linh vật, cho thấy hiệu quả rõ rệt của truyền thông và sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, của ngành văn hóa để thay đổi thói quen, định hướng thẩm mỹ cho nhân dân, hướng đến các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”. Ông Nguyễn Cao Tấn- PGĐ Sở VHTT Ninh Bình nhận định.
 
Còn nghệ nhân Lương Trịnh (Làng nghề Ninh Vân) cho biết: “Sau khi Bộ VHTTDL ban hành công văn 2662, các nghệ nhân cũng như người dân làm nghề thủ công mỹ nghệ ở làng nghề Ninh Vân thấy đây là chủ trương đúng đắn và thực hiện theo. Các hộ sản xuất đều tự ý thức tìm tòi các mẫu linh vật Việt về nghiên cứu, chế tác. Chúng tôi không thấy có khó khăn gì”.
 
Làng nghề góp phần quảng bá linh vật Việt - ảnh 2
Các làng nghề đã chuyển sang chế tác linh vật Việt
 
Tuy nhiên, nghệ nhân Lương Trịnh cũng chia sẻ: “Cho đến bây giờ, cũng vẫn có những khách hàng đặt làm linh vật ngoại lai như sư tử đá. Nhưng chúng tôi có hướng dẫn, giải thích để họ hiểu và khuyến khích họ chuyển sang đặt nghê Việt, sư tử Phật giáo Việt. Và hầu như các khách hàng đều vui vẻ đồng tình”.
 
Hành trình dài để quét sạch linh vật ngoại lai
 
Thế nhưng, dù đã bước đầu được sản xuất tại một số địa phương, những linh vật được lấy cảm hứng từ văn hóa Việt như nghê, rồng, sấu đá...dường như vẫn có chút khó khăn trong việc tiếp cận với người tiêu dùng. Như nhận xét chung, đối tượng mua các linh vật "thuần Việt" này để sử dụng vẫn chủ yếu là những người nghiên cứu văn hóa, một số công sở nhà nước hoặc giới sưu tập.
 
Đặc biệt, chính những đơn vị chế tác các linh vật thuần Việt này cũng có những lo lắng nhất định. Việc chế tác này không thể "rập khuôn" nguyên bản các linh vật Việt tại đình, chùa, mà cần có sự  sáng tạo khá công phu để phù hợp với thẩm mỹ của người dùng - nhất là trong việc tạo hình cho các sản phẩm nhỏ như chặn giấy, vòng, khánh treo trong ô tô... Thế nhưng, với tình trạng xâm phạm bản quyền như hiện nay, việc các các mẫu mã này bị ăn cắp là rất dễ xảy ra.
 

Làng nghề góp phần quảng bá linh vật Việt - ảnh 3

Cần có định hướng đa dạng các sản phẩm, trong đó đưa các sản phẩm mang tính chất giá trị văn hóa cao hơn vào thành sản phẩm du lịch
 
Để các doanh nghiệp tự tin theo đuổi công việc này, ngành quản lý nên có những cơ chế hỗ trợ phù hợp, mà cụ thể nhất là nghiên cứu cho phép các doanh nghiệp địa phương được độc quyền bán những linh vật thuần Việt tại các điểm di tích. "Chẳng hạn, chúng tôi được độc quyền bán sản phẩm nghê Việt của mình tại đình vua Đinh ở Ninh Bình. Khi ấy, những thiệt hại do nạn xâm phạm bản quyền sẽ bị hạn chế phần nào" -ông Phạm Bá Ngọc, Giám đốc Công ty Vạn Bảo Ngọc (Ninh Bình) mong muốn.
 
Nếu như nhà điêu khắc Lương Trịnh tâm đắc với ý tưởng mở một triển lãm chuyên đề giới thiệu các mẫu nghê Việt thì nghệ nhân, nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc (Giám đốc Công ty Vạn Bảo Ngọc, TP. Ninh Bình) còn quyết liệt hơn khi tiết lộ, cuối tháng này cơ sở chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của anh sẽ hoàn thành bộ mẫu gồm khoảng 100 sản phẩm linh vật Việt được sản xuất dưới dạng quà tặng, kích cỡ nhỏ để phục vụ nhu cầu du lịch. “Tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ để bộ mẫu sản phẩm linh vật Việt kịp ra mắt trong dịp Bộ VHTTDL tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Công văn 2662. Đó sẽ là câu trả lời rõ ý nhất cho câu hỏi công văn 2662 đã phát huy hiệu quả như thế nào trong đời sống…”, nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc chia sẻ.
 
Hàng chục mẫu nghê Việt, hoa sen, các phù điêu kích cỡ nhỏ với các đường nét hoa văn truyền thống… đang được đội ngũ hàng chục nghệ nhân lành nghề của Công ty Vạn Bảo Ngọc ngày đêm chế tác. Chủ nhân của ý tưởng độc đáo này, nhà điêu khắc Phạm Bá Ngọc nhận định: “Hạn chế của du lịch Việt Nam là khoảng trống các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Bộ sưu tập quà tặng linh vật Việt này hi vọng sẽ khỏa lấp khoảng trống đó, đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm quà tặng truyền thống của Việt Nam…”.
 
Rõ ràng, sự chuyển hướng từ các làng nghề chế tác, các cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ sẽ góp phần quảng bá linh vật Việt, giá trị văn hóa Việt rất lớn. Bởi vậy, cơ chế để hỗ trợ các đơn vị sản xuất linh vật truyền thống là cần thiết. Đúng như tinh thần mà Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã yêu cầu sau khi khảo sát tại Ninh Bình về công tác thực hiện Công văn 2662. Theo đó, Thứ trưởng đề nghị Ninh Bình tập trung và có định hướng phát triển cụ thể về đa dạng hóa các sản phẩm của làng nghề, đưa vào phục vụ du lịch. Cần phải có định hướng phát triển chiến lược đối với các làng nghề này, cần có định hướng đa dạng các sản phẩm, trong đó đưa các sản phẩm mang tính chất giá trị văn hóa cao hơn vào thành sản phẩm du lịch. Như vậy vừa có thể bảo tồn, quảng bá được văn hóa truyền thống lại vẫn có thể đem lại giá trị kinh tế cho địa phương./.
 
 
 
Theo Hoàng Nguyên - Tổ quốc
 
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng