Tin văn nghệ
Hội Nhà văn Cộng hòa Séc vinh danh dịch giả Việt Nam
15:55 | 10/11/2017
Hội Nhà văn Cộng hòa Séc trao tặng Giải thưởng hàng năm của Hội cho các tác giả có đóng góp xuất sắc vào nền văn học Séc, trong đó có dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng của Việt Nam.
 
Hội Nhà văn Cộng hòa Séc vinh danh dịch giả Việt Nam
Giải thưởng văn học Séc là giải thưởng danh giá được Hội nhà văn Séc trao hàng năm cho các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, họa sĩ… là thành viên của hội nhằm ghi nhận những đóng góp của họ trong việc quảng bá nền văn học Séc ra thế giới.
 
Năm nay tổng cộng có 5 tác giả được Hội nhà văn Séc bình chọn trao giải thưởng, trong đó có dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng của Việt Nam. Đây cũng là tác giả nước ngoài duy nhất được vinh dự nhận giải thưởng lần này. Trước sự có mặt của gần 100 khách mời và các nhà văn, nhà thơ nhiều thế hệ của Séc, Chủ tịch Hội Nhà văn Séc Karel Sys đã trao Giải thưởng văn học Séc cho tác giả Đỗ Ngọc Việt Dũng.
 
Kể từ ngày đầu tiên bước chân sang Liên bang Tiệp Khắc cũ nay là Cộng hòa Séc năm 1971, Đỗ Ngọc Việt Dũng đã bị chinh phục bởi vẻ đẹp thanh bình của khung cảnh thiên nhiên, sự cởi mở, lòng hiếu khách của người dân nơi đây.
 
Nhà văn Đỗ Ngọc Việt Dũng đã tìm được sự thi vị, lãng mạn, đầy chất văn thơ trong các tác phẩm văn học của Séc và mong muốn dịch các tác phẩm này sang Tiếng Việt để giới thiệu về nền văn học Séc tới cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Tính cho tới nay, ông đã dịch, viết trên 10 tác phẩm văn học, thơ, tìm hiểu lịch sử, văn hóa Séc… sang Tiếng Việt và rất nhiều trong số chúng đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam ấn hành.
 
Tại buổi trao Giải thưởng, ông Karel Sys, Chủ tịch Hội nhà văn Séc, ghi nhận nỗ lực của tác giả Đỗ Ngọc Việt Dũng trong việc truyền bá văn học Séc tới độc giả Việt Nam, góp phần làm cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
 
“Chúng tôi đánh giá rất cao các tác phẩm của ông Đỗ Ngọc Việt Dũng bởi nó cho thấy niềm đam mê và tình yêu cháy bỏng của ông đối với nền văn học Séc nói riêng, đất nước và con người Séc nói chung” – ông Karel Sys cho biết.
 
Chủ tịch Hội nhà văn Séc cũng khẳng định: “Chúng tôi rất mong chờ những tác phẩm mới của ông sẽ được biết đến rộng rãi không chỉ trong cộng đồng người Việt Nam tại Séc mà còn ngay tại Việt Nam để góp phần quảng bá nền văn học hai nước, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước”.
 
Về phần mình, dịch giả Đỗ Ngọc Việt Dũng xúc động khi nhận Giải thưởng danh giá của Hội Nhà văn Séc, đồng thời mong muốn có thêm nhiều tác phẩm văn học phục vụ bà con cộng đồng.
 
“Tôi rất xúc động và tự hào khi nhận Giải thưởng văn học của Hội nhà văn Séc”, ông bày tỏ. “Đây là niềm tự hào của cả cộng đồng người Việt Nam tại Tiệp Khắc trước đây và nay là Cộng hòa Séc, bởi vì những kiến thức tôi muốn truyền tải là để cộng đồng ta biết thêm về đất nước con người của bạn và ngược lại các bạn sẽ hiểu con người Việt Nam hơn. Trong tương lai tôi sẽ tìm hiểu thêm những đề tài mang tính cộng đồng để làm sao khi mình dịch ra thì chúng có thể phục vụ ngay lợi ích cho bà con mình đang sinh sống ở đây’.Tác giả Đỗ Ngọc Việt Dũng cho biết sắp tới ông sẽ hoàn thiện cuốn Lịch sử thể thao thế giới và Tiệp Khắc, Lịch sử âm nhạc Tiệp Khắc, cùng 100 bài hát của Séc và Slovakia bằng hai thứ tiếng. Ông cũng đang viết một tuyển tập gồm 500 bài thơ và tập III cuốn tiểu thuyết kể về cuộc sống của người Việt Nam tại Cộng hòa Séc trong nhiều thập kỷ qua.
 
Được biết tác giả Đỗ Ngọc Việt Dũng là người Việt Nam thứ hai vinh dự nhận được Giải thưởng này kể từ khi nó được Hội Nhà văn Séc khởi xướng cách đây 12 năm.
 
- Trích lời phát biểu của Do Honza (Đỗ Ngọc Việt Dũng): …Những bài thơ Tiệp Khắc đầu tiên đươc dịch sang tiếng Việt từ năm 1974 đến nay tạo nên tuyển tập thơ Séc và Slovakia (156 bài của 40 tác giả Tiệp Khắc). Tác phẩm đoạt giải thưởng văn học Séc năm 2017.
 
Hiện nay Do Honza đang nắm giữ trong tay không dưới 5 tác phẩm đã được biên soạn công phu, sắp đươc xuất bản. Tình yêu với đất nước con người Séc đặc biệt với văn học nghệ thuật là không giới hạn. Như câu kết cúa bài thơ: Việt Nam ơi chùm khế ngọt của tôi, nơi tôi sinh ra và xin chết vì người. Cùng Tiệp Khắc cả một thời trai trẻ, tôi sống nhớ người và chết vẫn khôn nguôi.
 
 
 
 
 
Theo tamnhin.net
 
 
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng