Tháng 2-2017, Bùi Trọng Hiền đã bắt đầu tập huấn học nhạc cho nhóm hát Ả đào Phú Thị theo hệ thống âm luật. Từ tháng 8, nhóm học viên này tiếp tục phục dựng các thể cách hát cửa đình cổ điển lần thứ II.
Nói về 8 tháng đã qua, Bùi Trọng Hiền cho biết: "Tôi làm việc như điên bất kể ngày đêm cùng các nguồn tư liệu sưu tầm được, cái thì được bạn bè, người thân trao tặng, cái thì bỏ tiền mua. Trong đó rất nhiều tư liệu vô cùng quý hiếm được tôi dày công phục chế từ những cuốn băng cassette cũ nát... Lúc đó, mục tiêu duy nhất đề ra là phải làm càng nhanh càng tốt khi mà cụ Nguyễn Phú Đẹ- cây đại thụ cuối cùng của Ả đào còn đủ minh mẫn, đủ sức khỏe. Mỗi khi phục chế, sưu tầm được bài bản nào, ký âm phân tích xong, tôi lại về ngay Tứ Kỳ- Hải Dương để nhờ cụ thẩm định... Tới đầu năm 2016, vừa khi tôi hoàn thành các nghiên cứu cơ bản của công trình thì nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ không may lâm bệnh trọng với cơn tai biến buổi xế chiều. Thương thầy, bản thân cũng đã kiệt sức sau 2 năm ròng rã miệt mài với Ả đào.., mọi việc đành tạm ngưng".
Cuối năm 2016, biết được tính chất hệ trọng của công trình mà Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tiến hành mấy năm qua, quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi đó là PGS.TS Từ Thị Loan đã yêu cầu anh xây dựng một dự án bảo tồn Ca trù ở địa bàn Hà Nội. Và một đề án với mục tiêu tập huấn nhạc Ả đào cổ điển theo phương pháp tiếp cận mới được hình thành...
Lấy nhóm Ả đào Phú Thị làm đối tượng, Bùi Trọng Hiền dùng chính hệ thống lý thuyết mới nghiên cứu tiến hành thử nghiệm việc học nhạc đi kèm với việc học âm luật... Sau 8 tháng lao động cật lực, cuối cùng anh và các cộng sự đã “gặt hái” thành công với những đào kép, quan viên theo đúng chuẩn mực Ả đào cổ điển.
Theo An ninh Thủ đô